Rối bời “tín ngưỡng”

GD&TĐ - Vụ việc chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức gọi vong báo oán thực ra không mới. Nó chỉ “bùng nổ” khi báo chí đưa tin rầm rộ những ngày qua. Nhiều cách gọi được đưa ra, nào là: Tội ác nơi cửa chùa, kinh doanh thỉnh vong, hoạt động mê tín dị đoan công khai, thương mại hóa bất chính…  

Rối bời “tín ngưỡng”

Không mới, bởi chính Đại đức Thích Đạo Hiển - Phó Ban trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh - cho biết là 2 năm trước, Ban trị sự từng nhận được ý kiến của nhiều tăng ni, phật tử về việc tại chùa Ba Vàng diễn ra các hoạt động gọi vong báo oán. Ban trị sự đã nhắc nhở, góp ý “rất chân thành, rất trách nhiệm” với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng…

Thậm chí, hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - còn cho biết, việc chùa Ba Vàng truyền bá về vong, oan hồn từng được phản ánh tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ 2015, nhưng Giáo hội không biết có chuyện chùa này thu tiền công đức…

Ấy thế nhưng, khi mà rất đông nhà báo về tận chùa Ba Vàng để lắng nghe ý kiến thanh minh, phản đối… thì Đại đức Thích Trúc Thái Minh lại lảng tránh không trả lời, có người trong chùa cản trở nhà báo tác nghiệp.

Trước những hoạt động mê tín dị đoan diễn ra từ lâu tại chùa Ba Vàng, chính những người trong Giáo hội cũng lên án, không đồng tình và cho rằng cần thiết phải xử lý theo quy định của pháp luật. Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - khẳng định rằng: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ họp, xem xét và căn cứ vào báo cáo từ Quảng Ninh để có hình thức xử lý kịp thời và đích đáng. Giáo hội tiếp thu ý kiến, không có chuyện nương nhẹ cho cơ sở thờ tự nào”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng nhắc lại học thuyết của Phật giáo về duyên, nghiệp và chuyển nghiệp. Theo đó, không hề có chuyện thỉnh, giải oan gia trái chủ như chùa Ba Vàng thực hiện…

Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, đa số thuộc về cộng đồng làng xã. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, rất nhiều ngôi chùa lớn kỷ lục đã được xây dựng, kéo theo đó là những hoạt động thương mại hóa, thậm chí mê tín dị đoan.

Không ít người dân u muội kéo đến cửa chùa rất đông, với niềm tin thiếu căn cứ rằng sẽ “xin” được công danh, sự nghiệp, phúc - lộc - thọ, sẽ chữa khỏi bệnh tật, sẽ được giải thoát kiếp nạn khổ đau, sẽ không bị pháp luật “sờ gáy” khi có tội…

Những niềm tin ấy, giờ càng rối bời, lung lay hơn khi nhiều cửa chùa không còn thanh tịnh, tôn nghiêm mà đã nhuốm màu “buôn thần, bán thánh”, công khai hoạt động mê tín dị đoan…

Cứ dõi theo những gì diễn ra tại chùa Ba Vàng, chùa Phúc Khánh (Hà Nội) với việc thu tiền dâng sao giải hạn thì đã rõ phần nào… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ