Robot chở đồ Gita
Những tập đoàn khổng lồ như Amazon, FedEx và Ford đã thử nghiệm mô hình sử dụng robot để giao hàng đến tận nhà. Giờ đây, Piaggio, công ty sản xuất xe tay ga Vespa của Ý, đang cung cấp một sự thay thế phong cách cho những cỗ máy tiện dụng nhạt nhẽo - mặc dù nặng 50 pound (23 kg) và có giá lên tới 3.250 USD.
Robot có tên là Gita (JEE’-tah) theo từ tiếng Ý có nghĩa là một chuyến du ngoạn ngắn, dễ chịu - loại bạn có thể dùng để đựng một ít cải xoăn lacinato và phô mai cho người sành ăn mua ở chợ nông sản. Chú robot mang tên Gita này có thiết kế dạng tròn dẹp như một chiếc bánh xe tay ga và có thể tự động đi theo chủ nhân.
“Chúng tôi đang cố gắng đưa bạn ra ngoài thế giới và kết nối với khu phố mà bạn quyết định chuyển đến vì nó rất dễ đi bộ”, ông Greg Lynn, Giám đốc điều hành của Piaggio Fast Forward tuyên bố.
Các nhà phân tích ngành công nghệ cho rằng Gita sẽ thất bại trừ khi nó tìm thấy một ứng dụng thực tế hơn, chẳng hạn như kéo đẩy các công cụ quanh nhà kho, bệnh viện hoặc sàn nhà máy. Nhà phân tích công nghệ của Forrester, J.P.Gownder cho biết: “Đây là 1 khoản tiền quá lớn cho một con robot không có tác dụng gì ngoài chở hàng hóa”.
Trong một thử nghiệm gần đây, Greg Lynn nhấn nút kích hoạt robot Gita để nó có thể “nhìn” thấy ông qua máy ảnh và cảm biến. Sau đó, âm thanh vo vo phát ra khi thiết bị với hình dạng của một cái xô màu đỏ tươi, vuông vức với hai bánh xe quá khổ được bật lên và báo hiệu nó đã sẵn sàng cho một cuộc dạo chơi xung quanh khu phố.
Một cậu bé ngồi trong chiếc xe đẩy gần đấy hào hứng chỉ vào nó. Một người đi bộ khác yêu cầu được thử nó và hét lên ngạc nhiên khi nó xoay quanh, tiếp tục bám theo khi cô chuyển hướng. Gita không đòi hỏi một điện thoại hay công nghệ theo dõi người xâm nhập quyền riêng tư nào như nhận dạng khuôn mặt và GPS.
“Nó về cơ bản chỉ khóa chặt tầm nhìn vào bạn và đi theo bạn”, đồng sáng lập khác của Piaggio Fast Forward, Jeffrey Schnapp cho biết.
Cuộc chạy đua
Các công ty khởi nghiệp khác như Starship Technologies có kế hoạch kinh doanh cho các robot giao hàng của riêng họ. Công ty tính phí giao hàng với giá khởi điểm từ 1,99 USD nếu bạn đặt 1 chiếc rovers của họ để mang đến cho bạn một ly cà phê Starbucks hoặc một bữa ăn trưa từ Panda Express.
Cho tới thời điểm hiện tại, môi trường sống tốt nhất để tìm thấy những chiếc xe Starship sáu bánh này là những không gian tương đối hạn hẹp như khuôn viên trường đại học; Đại học Houston và Đại học Wisconsin-Madison đã cho chúng ra mắt vào mùa thu này. Các robot, nhìn trông giống như những chiếc rương băng quá khổ trên bánh xe, có thể mang tới 20 pound (9 kg).
“Tôi yêu chúng. Tôi nghĩ chúng trông rất dễ thương!” - SV năm nhất Đại học Houston, Sadie Garcia, nói khi một trong những chiếc máy mang chiếc bánh sandwich bagel mà cô đã đặt hàng.
Người đồng sáng lập Starship Ahti Heinla cho biết, công ty khởi nghiệp ở San Francisco của ông đã từng xem xét việc bán máy trực tiếp cho người tiêu dùng, nhưng đã bỏ ý tưởng này sau khi nhận ra rằng họ sẽ phải định giá chúng ở mức cao hơn 3.000 USD.
Amazon đang thử nghiệm một cỗ máy có hình dáng tương tự, dùng để cung cấp hàng hóa bán lẻ ở một số khu phố của Mỹ. FedEx đang thử nghiệm rover giao hàng của riêng họ với sự hợp tác của Pizza Hut, Walmart, Target và Walgreen.
Ford đã cho ra mắt một robot đi bằng hai chân nhìn rất hầm hố sẽ bê đồ đến tận nhà của bạn. Cho đến nay, chưa có ai tiến xa được như Starship, nơi đã có hàng trăm robot đang hoạt động.
Trong khi Gownder không có ấn tượng gì với Gita, anh lạc quan về các robot giao hàng có kiểu giống với Starship vì sự tự chủ của chúng sẽ giúp tiết kiệm chi phí lao động.
Gownder cho biết câu hỏi quan trọng hơn sẽ nằm ở việc liệu những phương tiện tự lái trên mặt đất hay những phương tiện tự lái trên không sẽ chứng tỏ thành công hơn trong việc giao hàng.
Các robot chở hàng sử dụng bánh xe đã được đưa ra sử dụng có những hạn chế đáng kể. Các cỗ máy của Starship vẫn cần nhiều sự giám sát thủ công để tải chúng với các đơn đặt hàng thực phẩm. Khách hàng cũng phải bật một ứng dụng điện thoại để báo cho xe biết phải đi đâu và mở khóa thùng khi nó đến.