“Rinh” điểm cao vào ĐH như các thủ khoa, á khoa

Trước thềm kỳ thi đại học, cao đẳng 2014, các thủ khoa, á khoa đại học của Gia Lai những năm gần đây đã chia sẻ các bí quyết ôn tập và làm bài thi giúp họ đạt được những kết quả cao nhất.

“Rinh” điểm cao vào ĐH như các thủ khoa, á khoa

* Phạm Minh Huyền - nguyên học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, á khoa Đại học Quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2013:

Phạm Minh Huyền

Đối với các bạn đăng ký thi vào khối D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), mình nghĩ môn Ngữ văn là môn cần đầu tư khá nhiều thời gian nếu muốn đạt điểm cao.

Vì vậy, mình thường dành khoảng 1 tiếng mỗi sáng sớm để học thuộc dẫn chứng và thơ vì bài văn yêu cầu phải có dẫn chứng thật chính xác.

Sau đó mình chú trọng những ý chính mà mỗi bài văn, bài thơ nêu ra để hiểu rõ dụng ý tác giả.

Mình cũng đọc nhiều sách văn học để nâng cao vốn từ và học thêm những ý văn hay, ghi lại những câu nói và danh ngôn hay vì những câu này sẽ có ích khi trích dẫn vào bài làm.

Ngoài ra mình còn tìm hiểu những đề văn thi thử  của các trường và đề thi năm cũ để làm dàn bài và xác định những ý cần có với mỗi đề nhất định. Về đề văn nghị luận xã hội, mình vẫn dành thời gian theo dõi báo và thời sự để nắm bắt những vấn đề nóng của xã hội để có thêm thông tin.

Bên cạnh đó còn có một nguồn thông tin góp phần giúp mình có thêm nhiều ý tưởng cho đề văn nghị luận xã hội của mình chính là chuyên mục trò chuyện đầu tuần trên báo Hoa Học Trò. Chuyên mục này thật sự có ích cho bài  thi môn Ngữ văn trong kỳ thi đại học năm 2013 của mình.

Đối với môn Toán thì mình cố gắng giải thật nhiều đề. Sau khi giải xong đối chiếu kết quả để  xem mình giải sai chỗ nào để sửa, hay có thể học thêm những phương pháp mới hay và ngắn gọn hơn. Giải đi giải lại các đề Toán để rút được kinh nghiệm và giúp tư duy nhanh hơn khi làm bài thi.

Môn Tiếng Anh mình cố gắng học nhiều từ liên quan đến chủ đề trong sách và học từ các đề thi thử Tiếng Anh của các trường trung học trong cả nước vì vốn từ càng rộng thì làm bài sẽ càng chính xác hơn. Với mỗi câu trắc nghiệm làm sai mình thường nghiên cứu lại điểm ngữ pháp mình nhầm lẫn và ghi vào giấy ghi nhớ để có thể học lại mọi lúc.

* Nguyễn Minh Văn - nguyên học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm-huyện Chư Sê, thủ khoa Đại học Y (Huế) năm 2013:

Nguyễn Minh Văn

Theo mình, đến giai đoạn này các bạn nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức mà mình đã học, bám sát vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và sách giáo khoa.

Bạn cũng nên chú ý đến những phần giảm tải, đề cương những phần có trong đề thi mà Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố để ôn tập đúng trọng tâm và nên nhớ sách giáo khoa là tài liệu phục vụ ôn thi tốt nhất.

Đối với môn Toán mình nên hệ thống theo từng dạng, mỗi chuyên đề sẽ có những dạng khác nhau, mỗi dạng mình làm lại một ví dụ minh họa để nhớ lâu.

Đối với Hóa học, Vật lý, Sinh học, các bạn tuyệt đối không được coi thường  lý thuyết, những câu lý thuyết trong đề rất dễ kiếm điểm trong thời gian ngắn nếu bạn nắm chắc lý thuyết, hệ thống kiến thức những môn này mình nên phân ra lý thuyết và  bài tập.

Tuy nhiên các bạn phải nhớ rằng, ôn đến đâu là chắc đến đó, tránh ôn phần này chưa xong đã chuyển sang phần khác. Ngoài ra, việc làm đề thi thử là vô cùng cần thiết, sau khi tự làm đề các bạn sẽ chấm theo thang điểm để xem mình hổng kiến thức chỗ nào để ôn tập lại.

Theo mình, việc ăn uống, vui chơi giải trí giai đoạn này không kém phần quan trọng. Mỗi ngày nên ngủ đủ 7-8 giờ, tập thể thao, vui chơi với bạn bè sau những giờ học căng thẳng, ăn uống đầy đủ chất.

Một tin không vui là mùa thi đại học năm nay lại trùng với World Cup nên các bạn yêu thích bóng đá, đặc biệt là các bạn nam, nên xác định rõ mục tiêu chính của mình là thi đại học, vì vậy nên biết phân bố thời gian sao cho hợp lý, tránh thức quá khuya.

Khi vào phòng thi, đối với môn Toán, bạn nên dành 10 phút đọc đề, làm theo thứ tự từ dễ đến khó, làm đến đâu là chắc đến đó, câu nào 10 phút suy nghĩ mà không có hướng thì nhanh chóng chuyển câu khác, để đó tí làm sau.

Phải chắc chắn 100% là không có sai sót trong những câu dễ, sau đó mới suy nghĩ tiếp câu khó, đừng hoang phí thời gian.

Đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, theo mình trước tiên nên làm trên đề trước để sau này dò lại, làm từ đầu đến cuối, câu khó bỏ lại, sau khi làm xong 1 lượt rồi dùng bút chì tô vào tờ trả lời, sau đó quay trở lại làm những câu còn lại.  Tới cuối giờ mà vẫn còn câu chưa trả lời được thì chọn bừa 1 đáp án vậy.

* Lê Thị Ý Vi - nguyên học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - huyện Chư Sê, thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh năm 2012:

 
Lê Thị Ý vi

Mình xin chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm như sau. Đối với môn Toán nên làm thật nhiều bài tập.

Không tập trung vào bất đẳng thức vì đây là những bài rất khó và rộng, các bạn học sinh đi thi toán quốc gia chưa chắc gì đã giải ra.

Thay vào đó học cho vững các dạng toán còn lại, đọc và tìm tòi ra thêm các cách giải khác nhau cho mỗi dạng, nếu nắm vững tất cả các kiến thức đó, chuyện lấy 9 điểm thi đại học môn Toán là không hề khó khăn.

Khi đi thi, giải những bài dễ và mình nắm vững trước để tránh bị khớp ngay từ khi mới bắt đầu làm bài. Kiểm tra thật kỹ những bài đã làm trước khi lao vào giải các bài khó, nhất là bất đẳng thức.

Đối với môn Hóa học cần nắm thật vững lý thuyết. Không nên dùng phương pháp loại trừ vì Hóa học rất dễ nhầm và nhiều bẫy lắt léo. Khi làm bài nên làm hóa vô cơ trước rồi đến hữu cơ hoặc ngược lại, như vậy sẽ nhanh hơn là làm theo thứ tự các câu trong đề.

Môn Sinh là môn dễ nhất khối B (theo ý kiến riêng của mình). Khi học, đừng chỉ học vẹt, hãy học bản chất của lý thuyết, vì nếu hiểu bản chất thì sẽ dễ dàng hiểu và nhanh chóng làm được bài tập. Khi vào phòng thi, các bạn nên đọc kỹ đề, làm cẩn thận, vì bài tập cũng như lý thuyết Sinh rất dễ nhầm lẫn.

Lời khuyên chung cho 3 môn là: Cẩn thận là trên hết, đừng ham nhanh mà ẩu, làm chậm mà chắc điểm sẽ cao hơn. Khi chọn giữa các câu cơ bản và nâng cao, cần đọc lướt và quyết định nhanh chóng, đừng nên dành thời gian quá nhiều cho khâu này, vì thực sự thì độ khó của 2 phần là tương đương nhau.

Theo Báo Gia Lai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ