Thế nhưng, ở vùng đất này còn có một món ăn đặc biệt được ví như đặc sản “trời ban” mà ít người nhắc tới, đó chính là rêu đá được lấy ở những dòng suối nước trong.
Từ truyền thuyết về mối tình thủy chung...
Rêu đá suối là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày hay xuất hiện trong những dịp lễ, Tết của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Ở mỗi nơi, rêu đá lại có hương vị và cách chế biến riêng nhưng vẫn là món ăn từ nhiên nhiên không chỉ đồng bào trong vùng yêu thích, thường xuyên sử dụng, mà còn “được lòng” cả thực khách gần xa.
Để tìm hiểu món ăn “trời ban” này chúng tôi tìm đến xã Tân Phượng, một xã vùng cao của huyện Lục Yên nơi sinh sống của đa số đồng bào Dao đỏ. Con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn theo những sườn núi, thấp thoáng xa xa là những nếp nhà sàn vàng óng, lợp mái ngói đỏ tươi mang lại cho chúng tôi cảm giác sự đổi thay, no ấm của người dân nơi đây.
Ngày nay, đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con nhân dân xã Tân Phượng đã được nâng lên, trong bữa ăn của đồng bào nơi đây cũng xuất hiện nhiều món ăn có sự kết hợp, học hỏi giữa các dân tộc. Duy chỉ có món rêu đá thì không thay đổi, người dân nơi đây luôn có cách chế biến riêng. Cứ mỗi khi tiết trời bắt đầu se lạnh của đầu đông là báo hiệu một mùa rêu đá mới.
Lúc này, những người phụ nữ vùng cao nơi đây sau giờ lên nương lại xuống suối lấy rêu về chế biến thành những món ăn truyền thống, đặc sắc. Rêu đá còn xuất hiện trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày xuân. Bởi rêu đá còn mang một ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy từ ngàn xưa mà đồng bào nơi đây vẫn kể lại cho muôn đời sau.
Món rêu đá bắt nguồn từ truyền thuyết về một đôi trai gái yêu nhau nhưng lại gặp sự cản trở của vị Chúa đất nơi họ sinh sống. Hai người đã quyết định cùng nhau chạy trốn tới một đỉnh núi cao. Cô gái khóc nhiều đến nỗi nước mắt của nàng chảy thành dòng nước lớn đổ từ trên đỉnh núi.
Cuối cùng, để được bên nhau mãi mãi, họ đã lao xuống dòng nước đó. Cơ thể của chàng trai hoá thành những tảng đá, còn mái tóc dài của cô gái lại biến thành một loại rêu mọc trên những tảng đá. Có lẽ vì thế, món ăn này còn mang ý nghĩa về sự thủy chung, son sắt.
Đến món ăn béo ngậy lấy từ lòng suối…
Để đến được khu vực suối có rêu đá, chúng tôi đã theo chân các thiếu nữ người Dao Tân Phượng. Hơn 30 phút men theo sườn núi, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng thác nước chảy ầm ầm từ xa.
Một thiếu nữ trong đoàn nở nụ cười tươi, cho biết: Vậy là sắp đến nơi rồi, ở đây rêu mọc tự nhiên, bám quanh những tảng đá ở dưới suối, chỉ xuất hiện theo mùa, vào tầm cuối thu, đầu đông, kết thúc là cuối mùa xuân.
Rêu có nhiều loại nhưng thường mọc ở chỗ nước sạch, chảy xiết thì mới có thể ăn. Người dân ở đây thường hái rêu ở khu vực suối có mực nước nông đến đầu gối. Chỗ nước sâu, nước tù thì rêu ít mọc, nếu có thì rêu cũng không được sạch vì dính nhiều sạn cát.
Những thiếu nữ người Dao, bắp chân trắng ngần lội dưới làn nước trong xanh, tiếng suối róc rách chảy, phía trên là bạt ngàn hoa mơ, hoa đào khoe sắc; tiếng chim hót líu lo hòa lẫn tiếng cười nói vui vẻ của những thiếu nữ miền sơn cước khi “hái” được những dải rêu xanh non. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khiến người ta nhớ mãi.
Sau khi thu hoạch rêu từ suối, mọi người tập trung tại khu vực suối có nước chảy mạnh để rửa rêu. Để rêu sạch phải dải rêu ra tảng đá lớn rồi dùng khúc gỗ hoặc chuôi dao đập mạnh. Sau đó, họ lại cặm cụi nhặt bỏ đá sỏi lẫn trong rêu rồi dùng rổ, rá để đãi sạch sạn cát.
Chưa hết, khi mang rêu về nhà lại tiếp tục thả rêu vào những chậu nước lớn. Người dân dùng tay vò qua lại giống động tác giặt quần áo để giũ sạch những chất bẩn, nhớt còn sót lại bám ở rêu. “Giặt” qua nhiều lần nước xong, rêu được vắt ráo nước, túm lại thành từng nắm chắc nịch.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu tươi. Rêu sạch được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn. Rêu sạch sau khi đem cắt nhỏ trộn đều với các loại gia vị như: Gừng, sả, rau thơm, hạt dổi thì cũng có thể cho vào chõ gỗ mang hấp chín hoặc xào.
Trong các món, có lẽ rêu nướng vẫn là món ăn độc đáo và đặc sắc nhất. Rêu sạch cắt khúc, nêm gia vị gói lá dong hoặc lá chuối, nướng trên than hoa hay vùi trong tro nóng cho đến khi gói rêu dậy lên mùi thơm phức. Cũng có thể bọc lá kẹp que nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà, rêu nướng chín mỏng tang, giòn và thơm ngon đặc biệt.
Đồng bào dân tộc Dao ở miền “đất ngọc” kể rằng, các món ăn từ rêu không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt, mà còn có tác dụng chữa bệnh như giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Còn theo kinh nghiệm dân gian, rêu có tính thanh mát nên có thể trị mụn nhọt, sốt rét, phòng hàn. Rêu chủ yếu là chất xơ, có tác dụng giảm mỡ trong máu, thích hợp cho những người muốn giảm cân.
Phải khẳng định rằng, món ăn này luôn mang đậm bản sắc truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Và chỉ khi đến với vùng núi Tây Bắc nói chung và miền đất Ngọc - Lục Yên nói riêng thì thực khách mới có thể được thưởng thức.
Để rồi khi chia tay, vị ngọt, vị béo ngậy của món đặc sản “trời ban” này cùng với sự mến khách, thân thiện của con người nơi đây sẽ luôn đọng lại trong tâm thức mỗi người.