Đi để học Sử tốt hơn
Cho học sinh trải nghiệm tại khu di tích, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng hay giao lưu với nhân vật lịch sử là hoạt động thường xuyên tại Trường THPT Lấp Vò 2 (Đồng Tháp). Mỗi hoạt động nhà trường đều hướng đến giáo dục kỹ năng sống và tăng cường tình yêu môn Sử cho học sinh.
Trường THPT Lấp Vò 2 là một trong những điểm sáng ở tỉnh Đồng Tháp trong giáo dục lịch sử cho học sinh. Theo thầy Trần Ngọc Trường, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - GDCD, dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên. Qua đó, nhà trường còn hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống, trách nhiệm công dân, giúp học sinh nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc. Xác định rõ tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Trường THPT Lấp Vò 2 đã tập trung chỉ đạo các bộ môn đẩy mạnh việc đưa nội dung địa phương vào giảng dạy.
Hằng năm, Tổ Lịch sử, Trường THPT Lấp Vò 2 phối hợp với đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh… tổ chức các hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả nội dung giáo dục lịch sử cho học sinh. Tổ chức cho sưu tầm tranh ảnh, tiểu sử các nhân vật lịch sử địa phương treo ở phòng, lớp. Tổ Lịch sử phối hợp với nhà trường và các cấp chính quyền mời cựu chiến binh, nhân vật lịch sử về giao lưu, nói chuyện trực tiếp với giáo viên và học sinh.
Mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức đưa học sinh đi tham quan các điểm di tích trong và ngoài tỉnh; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng; phát động nhiều phong trào thi đua tuyên truyền bằng tranh ảnh. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào dịp các ngày lễ lớn…
Học sinh được xem phóng sự, phim về lịch sử; được hóa thân thành các nhân vật anh hùng trong lịch sử thông qua việc tái hiện bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật…
“Học tập trải nghiệm và tiết học về địa phương, bản thân em đã cảm nhận được các nhân vật, những sự kiện lịch sử, sự hy sinh của các anh hùng dân tộc. Em được bồi dưỡng thêm tinh thần anh dũng, sự gan dạ, lòng trung thực và hiểu hơn về địa danh ở Đồng Tháp. Em cảm thấy tự hào về quê hương mình, nơi em sinh ra và lớn lên….”, em Nguyễn Thanh Hiền, học sinh lớp 11A1 chia sẻ.
Theo thầy Trần Ngọc Trường, việc đưa chương trình giáo dục địa phương nói chung, giáo dục lịch sử địa phương nói riêng vào giảng dạy tại các khối lớp THCS và THPT là chủ trương đúng đắn.
Từ những tiết học đan xen nội dung Lịch sử - Địa lí - Văn hóa của địa phương, học sinh không chỉ có điều kiện hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về môn học, mà còn có sự liên hệ thực tế rất gần gũi, tạo được hứng thú cho học sinh đối với các môn Khoa học xã hội. Từ đó góp phần hun đúc thêm vốn kiến thức cũng như tình yêu quê hương cho các em học sinh…
Đổi mới dạy, học để đáp ứng chương trình mới
Tại Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) hoạt động ngoại khóa phục vụ giảng dạy Lịch sử cũng được thầy, trò hưởng ứng tích cực.
Thầy Đào Xuân Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở môn Lịch sử, bên cạnh việc dạy học trên lớp thì cơ cấu chương trình cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử địa phương. Đây là nội dung mà tới đây tất cả các nhà trường đều triển khai thực hiện.
Trong những năm gần đây, hòa chung với việc đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học thì môn Lịch sử cũng đã có bước chuyển mình.
Nếu trước đây còn nặng về học thuộc lòng máy móc thì hiện nay môn Lịch sử chuyển dịch dần sang yêu cầu học sinh hiểu được vấn đề qua việc học tập nội dung lịch sử. Qua một sự kiện lịch sử, học sinh phải biết học tập được bài học gì để giúp mình hoàn thiện bản thân cũng như nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc từ đó cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt của đất nước.
Việc dạy học tích hợp, lồng ghép, tổ chức tham quan, dã ngoại và các hoạt động khác để bổ trợ việc dạy học Lịch sử cũng được Trường THPT Hà Huy Giáp quan tâm. Nhà trường tổ chức cho các em tham quan khu di tích lịch sử thành lập Chi bộ An Nam cộng sản đảng tại Cờ Đỏ, Bảo tàng Cần Thơ, khu di tích Cụ nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp...
Theo thầy Đào Xuân Thuyên, ở góc độ người thầy, trong quá trình giảng dạy thì giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định thái độ người học đối với môn học Lịch sử. Nếu người giáo viên thổi vào một luồng gió mát thì tiết học sẽ trở nên thoải mái, ngược lại người giáo viên mang một luồng khí nóng thì tiết học sẽ trở nên vô cùng nặng nề và ngột ngạt.