Lịch sử - lựa chọn “ưu tiên” ở vùng khó
Em Cà Lan Anh, lớp 11B1, Trường THPT Thanh Nưa (Điện Biên) vừa đạt 16,5 điểm tại kỳ thì học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử. Lan Anh là người con của dân tộc Thái, sinh ra trên vùng đất nhiều khó khăn. Cũng giống bạn bè khác ở địa phương, để theo đuổi con đường tri thức Lan Anh luôn xác định “lấy cần cù bù thông minh”.
Đây cũng là lý do ngay từ khi bước vào cấp 3, Lan Anh đã lựa chọn tổ hợp môn Xã hội để ưu tiên học tập và định hướng nghề nghiệp sau này. Theo cô Lê Thị Hằng, giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT Thanh Nưa, thì không riêng với đội tuyển mà đa phần học sinh vùng khó đều có nguyện vọng lựa chọn tổ hợp môn Xã hội để thi tốt nghiệp THPT. Do đây là bộ môn có thể học thuộc, chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó.
“Riêng kỳ thi tốt nghiệp năm nay, trong tổng số 162 học sinh lớp 12 của nhà trường thì chỉ có 5 em đăng ký tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Gần 97% còn lại đăng ký tổ hợp Xã hội. Kết quả này một phần do định hướng của nhà trường dựa trên điều kiện, năng lực thực chất của học sinh. Song chủ yếu vẫn là các em tự lựa chọn, dựa trên sở thích, nguyện vọng bản thân”, cô Hằng cho hay.
Tương tự, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường THPT Mường Nhà có 108 em thì 100% đều lựa chọn tổ hợp môn Xã hội. Theo lý giải của thầy Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng nhà trường, do năng lực học của học sinh miền núi, vùng khó có phần hạn chế nên các em thường lựa chọn các bộ môn học thuộc, để có cơ hội lấy điểm.
“Hàng năm, tỷ lệ học sinh đăng ký tổ hợp môn Khoa học xã hội vẫn cao hơn nhiều so với tổ hợp Khoa học tự nhiên. Nhà trường cũng nhìn nhận rõ năng lực của từng em để có gợi ý, định hướng tốt nhất cho các em. Thường thì đối với những em học chưa thực sự tốt các môn tự nhiên, thì Sử là môn cứu cánh”, thầy Thượng chia sẻ.
Học sử - hiểu sao cho đúng?
Với hơn 20 năm làm nghề, trong đó có 15 năm là giáo viên dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi Sử của địa phương, theo cô giáo Phạm Thị Thanh Mai, Trường PTDTBT THCS Mường Nhà (Điện Biên) thì dù ở giai đoạn nào, Lịch sử cũng nên được xem là môn học quan trọng, bởi đây là cái gốc để giáo dục con người.
Tuy nhiên, cô Mai cũng cho rằng môn học này có trở nên hấp dẫn hay không, học sinh có “quay lưng” với Lịch sử hay không lại phụ thuộc phần lớn vào giáo viên.
“Một người thầy lên lớp dạy lịch sử mà chỉ có bảng đen, phấn trắng rồi thao thao truyền thụ theo giáo án, thì học sinh sẽ rất dễ nhàm chán, không có hứng thú với giờ học, môn học. Nhưng nếu thầy biết kể câu chuyện, khơi gợi cảm xúc của học sinh với từng chi tiết lịch sử cụ thể thì hiệu quả lại hoàn toàn khác. Bởi vậy, thái độ của học sinh đối với lịch sử không do bộ môn quyết định, mà phụ thuộc vào kỹ năng của người thầy, có truyền được cảm hứng cho trò hay không”, cô Mai tâm sự.
Cùng có quan điểm này, nên theo cô Lê Thị Hằng những thay đổi trong chương trình GDPT năm 2018 là phù hợp, khi đưa môn Lịch sử vào chương trình học ngay từ cấp Tiểu học, THCS. Và để đáp ứng yêu cầu chương trình mới, buộc mỗi giáo viên, học sinh phải có sự đổi mới, sáng tạo trong cả dạy và học.
“Với chương trình mới mà Bộ đang triển khai, ở các cấp Tiểu học, THCS học sinh đã nắm vững kiến thức nền về sử. Lên đến cấp THPT chủ yếu là định hướng nghề nghiệp, các em sẽ lựa chọn tổ hợp môn phù hợp để phân luồng, hướng nghiệp. Chính vì thế, việc học sinh không lựa chọn ưu tiên đối với môn này ở cấp THPT không đồng nghĩa với việc các em quay lưng lại, hoặc không biết gì về lịch sử”, cô Hằng chia sẻ.
Còn theo thầy giáo Ngô Sơn Ngân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), khi đưa vào triển khai chương trình GDPT mới là bản thân người dạy và học đều đã phải thay đổi. Nhiệm vụ của thầy cô hiện nay không đơn thuần là dạy kiến thức, mà phải trở thành người hướng dẫn và rèn cho học sinh kỹ năng, phương pháp để tự chủ động tiếp cận, lĩnh hội kiến thức.
“Mục tiêu hướng tới là đào tạo con người phát triển toàn diện. Chính bởi vậy, cũng như nhiều môn học khác, học sử không thể phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, hay các bài giảng cứng nhắc trong chương trình, mà học sinh phải biết cách tiếp cận từ nhiều nguồn. Trong bối cảnh này, giáo viên chính là người dẫn dắt, để các em biết cách tiếp cận, chọn lọc kiến thức mình đang thiếu”, thầy Ngân cho hay.
“Then chốt” ở người “truyền cảm hứng”
Với quan điểm, then chốt trong học sử là phải khơi gợi được tình yêu đối với môn học ở học sinh, cô giáo Phạm Thị Thanh Mai cho rằng không ai khác mà chính thầy cô phải trở thành người truyền cảm hứng. Để làm được điều này, cô Mai “biến” mỗi bài học thành một câu chuyện cụ thể, làm “sống dậy” các chi tiết lịch sử, thông qua những nguyên tắc nghề nghiệp riêng.
“Tôi cho rằng, muốn dạy sử, trước tiên người giáo viên phải tự đầu tư, nâng cao hiểu biết, kiến thức sâu về từng kiến thức cụ thể. Trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ về nguồn học liệu; thiết bị, đồ dùng, đặc biệt là đối tượng học sinh, rồi mới thiết kế bài giảng và đưa ra phương pháp, kỹ thuật giảng dạy phù hợp. Với giai đoạn hiện nay thì việc phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin hỗ trợ rất đắc lực trong việc tạo sức hút cho bài giảng”, cô Mai chia sẻ.
Cũng theo cô Hằng, với sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay thì không chỉ giáo viên mà học sinh có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các phương thức học sử, chứ không còn bó hẹp ở sách giáo khoa hay trong không gian lớp học như trước. Bởi vậy, đòi hỏi trước tiên là mỗi giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy.
“Kết thúc giờ học hôm nay, tôi thường sẽ giới thiệu cho các em về nội dung của tiết học sau. Từ đó gợi ý, hướng dẫn các em lên mạng tìm hiểu trước hoặc tham khảo trong thư viện… các tài liệu liên quan. Như vậy, khi vào tiết học chính các em sẽ chủ động hơn, nguồn học liệu cũng đa dạng hơn. Nhiệm vụ của người giáo viên lúc này không phải giới thiệu kiến thức nữa mà là giải đáp những thắc mắc xoay quanh câu chuyện lịch sử đó, để các em hiểu sâu về câu chuyên, bản chất vấn đề. Như vậy mới nhớ lâu được”, cô Hằng chia sẻ.
Ngoài ra, với lợi thế là mảnh đất của lịch sử, nên dạy học trải nghiệm nhiều năm nay được xem là giải pháp hiệu quả được các cơ sở giáo dục tại Điện Biên thường xuyên áp dụng. Ngành Giáo dục địa phương hàng năm đều có chương trình phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích duy trì tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, triển lãm phim, ảnh về lịch sử…
Bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương cho biết: Không chỉ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục, học tập lịch sử địa phương đã được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Qua đó giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng các nguồn học liệu thực tế này trong dạy học đối với sự hình thành kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực học sinh.
“Các trường đều khuyến khích và mỗi thầy cô cũng đã chủ động sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa, xây dựng hệ thống tư liệu về lịch sử cho từng chủ đề dạy học cụ thể, nhằm hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của học sinh… Trong đó, việc trải nghiệm thực tế luôn thu hút sự hứng thú của đông đảo học sinh, với đa dạng các chủ đề: Kể chuyện chiến sĩ Điện Biên; đi tìm chân dung các anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; vận chuyển lương thực vào trận địa; nấu bữa cơm chiến sĩ...”, bà Thời cho hay.