Trong công cuộc đổi mới, các trường sư phạm đóng vai trò tiên phong

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ khẳng định như vậy trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Trường ĐHSP (ĐH Huế)

Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng

Báo cáo Bộ trưởng về Chương trình hành động của nhà trường, PGS.TS Hiệu trưởng Nguyễn Thám tập trung vào những nội dung và giải pháp thực hiện trong đổi mới giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thời gian qua. 

Thay mặt tập thể nhà trường, PGS.TS Nguyễn Thám nêu lên một số đề xuất, đó là: Cùng với Đề án đổi mới giáo dục phổ thông, cần có đề án đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện đồng bộ; 

Cần khảo sát thực trạng và nhu cầu giáo viên các bậc học của địa phương đến năm 2020 để trên cơ sở đó kiên quyết quy hoạch mạng lưới đào tạo GV và kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu đào tạo của GV; 

Bên cạnh đó, nên theo mô hình đào tạo GV truyền thống 4 năm với thời lượng chương trình khoảng 135 tín chỉ; Nghiên cứu triển khai mô hình đào tạo sư phạm 4+1,5 hoặc 4 +2 năm để cấp bằng thạc sĩ giáo dục cho SV tốt nghiệp. 

Ngoài ra, nên có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để chọn những người có phẩm chất, năng lực vào ngành sư phạm; Đổi mới công tác tuyển dụng GV theo hướng sát hạch để cấp chứng chỉ và ưu tiên năng lực. 

Quan tâm hơn nữa chế độ chính sách, lương cho giảng viên các trường sư phạm và GV nói chung; Đầu tư cho xây dựng các trường SP, nhất là ĐHSP trọng điểm về thiết bị phục vụ đổi mới, phục vụ cho việc đào tạo GV giảng dạy theo hướng mới, phương pháp mới (tích hợp, phân hóa)....

Tại buổi làm việc, nhiều CB - GV chủ chốt đưa ra những ý kiến tâm huyết xung quanh những vấn đề nổi cộm như: Quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm; giảm quy mô, số lượng, tăng chất lượng, đầu tư kinh phí, tài chính để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...

Ghi nhận và lắng nghe các ý kiến, đề xuất, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quán triệt những nội dung quan trọng Nghị quyết 29 toàn Ngành cần triển khai hành động. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Nghị quyết là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đã đặt ra những vấn đề lớn, cấp thiết cần phải đổi mới mà giáo dục đóng một vai trò quan trọng, có tính chất quyết định”. 

Cùng những dẫn chứng sinh động, cụ thể về thành tựu của giáo dục Việt Nam gần đây - nhất là kết quả đánh giá PISA, số lượng huy chương mà HS Việt Nam đạt được qua các kỳ thi Olympic quốc tế vừa qua - Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém của Ngành thời gian qua mà Nghị quyết 29 đã đề cập tới, cần phải khắc phục để đổi mới. 

Mỗi thành tựu đều có công rất lớn của các trường đại học, trong đó có trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế), cũng như những hạn chế đòi hỏi các trường phải nhìn nhận bước đi của mình. 

Điểm mấu chốt liên quan đến nội hàm đổi mới, đó là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hình thành phẩm chất năng lực của người học phải làm có kế hoạch, bài bản để đạt được mục tiêu. Giáo dục là một quá trình lâu dài phải đưa ra giải pháp từng bước...

Bộ trưởng chỉ đạo: Trong công cuộc đổi mới này, các trường sư phạm đóng vai trò tiên phong, xung kích. Với tư cách là trường sư phạm lâu đời, có bề dày lịch sử, có vị thế. Trường ĐHSP (ĐH Huế) phải tự đổi mới và đặt vấn đề sẽ đổi mới như thế nào; phải lôi cuốn được sự đổi mới của cả GV và học sinh. 

Phải thay đổi cách dạy cách học, cách thi... để chuyển từ việc nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, thầy nói trò nghe sang hình thành năng lực, phẩm chất của người học.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, PGS TS Nguyễn Thám thay mặt toàn trường khẳng định: Những định hướng của Nghị quyết 29 rất quan trọng; đổi mới là việc làm rất lớn của toàn xã hội, trong đó có đóng góp quan trọng của các trường sư phạm. 

Tự đổi mới là việc làm rất khó nhưng nhà trường quyết tâm làm được để góp phần vào thành công chung của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ