Thảm xanh trong trường học
Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều mang theo những vật dụng tái chế có thể sử dụng làm chậu trồng cây. Đó có thể là vỏ lon sữa, chai nước suối, can nước giặt, vỏ hộp kem, thậm chí là chiếc ủng bị rách… được trang trí lại đẹp mắt để… thành chậu cây gieo hạt.
Nhà trường chuẩn bị sẵn một số lượng lớn hạt lúa đã được ngâm nước, nảy mầm và đất mùn để mỗi học sinh có thể tự tay xúc đất, gieo hạt và tưới nước. Ngay cả dụng cụ xúc đất, cũng được các em tận dụng lại từ những vật dụng bỏ đi.
Mỗi học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tự làm và trang trí một chậu cây nhỏ tận dụng từ các vật liệu tái chế. |
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi tổ chức hoạt động trồng cây, chúng tôi mới phát hiện rằng nhiều học sinh lần đầu tiên biết xúc đất, trồng cây. Ngoài sự hướng dẫn của giáo viên, các em cũng quan sát của bạn để có những thao tác đúng”.
Mỗi học sinh của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh sẽ tự chăm sóc, tưới nước cho chậu cây Hạnh phúc của mình. Dọc bệ cửa sổ và các dãy lan can hành lang các lớp học, những chậu cây được ươm từ hạt lúa ươm mầm, vươn cao mỗi ngày dưới sự chăm sóc của các bạn nhỏ.
Học sinh được trải nghiệm các công đoạn: xúc đất, gieo hạt, chăm sóc cho chậu cây Hạnh phúc của mình. |
Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng tổ chức Tết trồng cây chào Xuân Giáp Thìn 2024 trong khuôn viên trường ngay sau học sinh đi học trở lại.
Tùy theo từng khối lớp, sẽ đảm nhận việc trồng cây xanh trang trí mặt tiền trước các tường rào cổng ngõ tiếp giáp các tuyến đường để tăng cường mảng xanh, làm đẹp cảnh quan cho công trình. Ở khu vực tập trung tại sân trường, mỗi lớp sẽ trồng 2 cây trong các chậu được làm từ sản phẩm tái chế do lớp tự tận dụng.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu trải nghiệm trồng cây trang trí các bồn hoa ở sân trường. |
Trong không gian của từng lớp học, mỗi lớp trồng mới thêm 2 chậu cây, có thể là cây dây leo, cây hoa… Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết: “Được tự tay trồng cây, tưới nước, chăm sóc cây sẽ hình thành ý thức bảo vệ cây xanh trong mỗi học sinh”.
Học sinh miền núi trồng cây dược liệu
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) đã tổ chức hoạt động Tết trồng cây 2024 quanh khu vực trường.
Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng, thông tin: “Mỗi em tự chọn cho mình một loại cây mang từ nhà xuống trường. Tự tay các em sẽ chăm sóc, vun trồng để bản thân có được kết quả thu hoạch trong thời gian học ở trường. Đó có thể là cây ăn trái, cây dược liệu… Đây sẽ là những kinh nghiệm, kỹ năng để sau này, các em có thể áp dụng khi tham gia hỗ trợ kinh tế cùng với gia đình mình”.
Mỗi học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam sẽ tự tay chăm sóc cây của mình trồng và khai thác cho đến khi tốt nghiệp ra trường. |
Từ năm học 2016 - 2017, phòng GD&ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng vào dạy cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông trên địa bàn huyện. Các trường học như Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam là một trong những đơn vị triển khai đầu tiên.
Tại vườn thực nghiệm của trường, học sinh được hướng dẫn kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác và bảo vệ nguồn giống các loại cây dược liệu đặc hữu của địa phương, như sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, đương quy… Bằng việc tự tay trồng cây xanh, các em sẽ làm quen dần với việc trồng rừng, tạo thêm niềm vui trong học tập và lao động.
Phụ huynh học sinh cùng Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trồng cây xanh hưởng ứng phong trào trường học “Xanh – sạch – sáng – bốn mùa hoa". |
Trong lễ phát động Tết trồng cây 2024, học sinh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đã trồng được 325 cây ăn quả, 50 cây thông và hơn 20 cây cau, 23 cây mít, 30 cây sâm cau.
Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua chương trình này, nhà trường mong muốn giáo dục và truyền cảm hứng cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, góp sức trồng cây gây rừng, mang lại nguồn lợi sinh kế chính đáng cho bản thân và cộng đồng.