Trong đó, rừng tự nhiên là 10.134.082 ha, rừng trồng là 4.655.993 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.926.043 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Con số này dù có tăng so với những năm trước nhưng trên thực tế, diện tích rừng của nước ta đã suy giảm rất nhiều, thậm chí có thời điểm, có giai đoạn ở mức báo động.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên - tức đóng cửa rừng tự nhiên. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn bởi đến hết năm 2018, tổng diện tích rừng cả nước đã đạt 14.484.055 ha, tăng 106.374 ha so với năm 2016. Ðộ che phủ đạt 41,65%, tăng 0,46% so với năm 2016.
Đến năm 2021, Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2015 được phê duyệt với mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Sau 3 năm thực hiện Đề án (từ 2021 - 2013), cả nước đã trồng được 260.000 ha rừng tập trung và 127 triệu cây phân tán, góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ở mức hơn 42%; công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta đã chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, trị giá gần 1.200 tỷ đồng.
Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống con người. Cụ thể, rừng giúp cân bằng lượng khí O2 và CO2; làm giảm, phòng chống thiên tai, góp phần làm tăng độ phì nhiêu cho đất; cung cấp nguyên, vật liệu cho con người, đồng thời là nguồn gen để nghiên cứu khoa học. Rừng còn là nguồn thu nhập cho người dân, là cơ sở để phân bổ dân cư, điều tiết lao động.
Vậy nên, trong bối cảnh nước ta đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt, hạn hán; đa dạng sinh học suy giảm... cũng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và việc nước ta đang nỗ lực thực hiện các cam kết để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) thì việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Cách đây 65 năm, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, qua đó góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của nước ta.
Do đó, bên cạnh việc thực hiện Tết trồng cây hàng năm theo lời dạy của Bác Hồ: “Mùa Xuân là Tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” cũng như các đề án về trồng, bảo vệ và phát triển rừng của Chính phủ, điều quan trọng nữa, như ý kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là phải thực hiện chủ trương nhất quán, xuyên suốt hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, trong thực hiện phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức. Phải tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cũng như mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng.