Rèn luyện kỹ năng sống thông qua mô hình câu lạc bộ học đường

GD&TĐ - Nhận thấy rõ vai trò của mô hình câu lạc bộ đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã áp dụng mô hình này.

CLB "Lá – trao gửi yêu thương" – THPT Phan Đình Phùng gặp gỡ, giao lưu cùng bộ đội biên phòng, trao quà và tổ chức Noel cho đồng bào và các em nhỏ ở Bản Giàng, Hương Khê, Hà Tĩnh.
CLB "Lá – trao gửi yêu thương" – THPT Phan Đình Phùng gặp gỡ, giao lưu cùng bộ đội biên phòng, trao quà và tổ chức Noel cho đồng bào và các em nhỏ ở Bản Giàng, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Đa dạng các loại hình câu lạc bộ

Thời gian qua, việc thành lập và hoạt động có hiệu quả của các câu lạc bộ (CLB) học sinh ở các trường học tại Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng vào việc rèn luyện kĩ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Với tôn chỉ tạo dựng thói quen và tinh thần hành động, lan tỏa và truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn học sinh; góp phần tạo ra một thế hệ trẻ chủ động, có tri thức và bản lĩnh, CLB Sách và hành độngTrường THPT Phan Đình Phùng (TP. Hà Tĩnh) thực sự đã trở thành một sân chơi bổ ích dành cho các bạn học sinh.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Hà (tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết, để văn hóa đọc bén sâu gốc rễ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống, phát triển nhân cách văn hóa cá nhân, trong những năm qua, mô hình CLB Sách và hành động đã có nhiều chương trình thiết thực.

Hoạt động "Chuyến cơm tình nguyện", chương trình Xuân trình 2022 của CLB BoNE tại Trung tâm Y tế Thạch Hà.

Hoạt động "Chuyến cơm tình nguyện", chương trình Xuân trình 2022 của CLB BoNE tại Trung tâm Y tế Thạch Hà.

“Ngoài hoạt động thường xuyên theo chủ đề hàng tháng, CLB còn có các hoạt động ngoại khóa. Mới đây nhất, CLB tổ chức Chuyên đề "Cội nguồn và văn hóa đọc", kỷ niệm 78 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam và 33 năm ngày hội quốc phòng toàn dân”, cô Hà cho biết.

Ngoài ra, trường còn có các CLB năng khiếu, sở thích, thiện nguyện như: CLB cờ vua, CLB âm nhạc Acousticians, CLB "Lá – trao gửi yêu thương"…

Đóng vai trò là một kênh truyền thông, kết nối đam mê của các bạn có chung sở thích, CLB Phát thanh học đường Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) đã ra đời và có nhiều hoạt động bổ ích.

Từ một CLB truyền thông quy mô nhóm nhỏ, sau 3 năm hoạt động, CLB đã mở rộng được 9 nhóm thành viên trực thuộc hoạt động thường xuyên. Mô hình CLB Phát thanh học đường của Trường THPT Kỳ Anh không chỉ đảm đương được nhiệm vụ tuyên truyền chính trị tư tưởng của nhà trường mà còn thực sự là nơi thể hiện ước mơ, khát vọng, tiếng nói của tuổi trẻ nhà trường.

Lễ ra mắt mô hình các CLB trường học ở Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh.
Lễ ra mắt mô hình các CLB trường học ở Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh.

Cùng với đó, các CLB khác trong nhà trường cũng hoạt động không kém phần sôi nổi: CLB bóng đá, CLB Khoa học kĩ thuật, CLB nghệ thuật, CLB Ghi ta, sáo trúc…

Đến nay, Trường THPT Kỳ Anh đã có 9 mô hình CLB hoạt động thường xuyên và mang tính chuyên nghiệp cao. Mỗi mô hình CLB thực sự là một sân chơi để các bạn trẻ tự do khám phá, thể hiện bản thân, phát triển năng khiếu, giao lưu học hỏi để hoàn thiện phẩm chất, nhân cách.

Với tính chất là một tổ chức từ thiện và phát triển văn hóa đọc, CLB BoNE Trường THPT chuyên Hà Tĩnh đã mang đến nhiều hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa như "Áo ấm Si Ma Cai", Hội chợ âm nhạc, thư viện BoNE, sự kiện Tết, sự kiện Sách không cũ…

Các hoạt động của BoNE hướng đến mục tiêu kích thích, mở rộng, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc đến các bạn học sinh. Đồng thời tổ chức các hoạt động thiện nguyện nhằm khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

Phát triển kĩ năng, nuôi dưỡng đam mê

Bên cạnh các CLB học tập, sự ra đời của các CLB theo sở thích được xem là giải pháp hiệu quả trong việc phát huy năng lực, phẩm chất, kĩ năng sống cho học sinh, giúp các em giải tỏa bớt căng thẳng trong các giờ học, phát triển kĩ năng mềm.

Em Nguyễn Văn Tình và Lê Anh Tuấn Bằng – thành viên CLB KHKT Trường THPT Kỳ Anh trong lễ trao giải KHKT cấp quốc gia.

Em Nguyễn Văn Tình và Lê Anh Tuấn Bằng – thành viên CLB KHKT Trường THPT Kỳ Anh trong lễ trao giải KHKT cấp quốc gia.

Thầy Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Đoàn trường THPT Kỳ Anh cho hay, mỗi CLB sẽ có từ 20 đến 70, thậm chí hàng trăm thành viên hoạt động dưới sự điều hành, cố vấn của thầy cô giáo, ban giám hiệu nhà trường. Giáo viên chỉ giữ vai trò định hướng, tư vấn và tạo điều kiện tối đa cho sự sáng tạo của học sinh.

"Khi được sống với đam mê, các em học sinh sẽ làm nên được những thành tích đáng nể. Như tại trường chúng tôi, thành viên của CLB Khoa học kĩ thuật đã có công trình sáng tạo đạt giải Nhất tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh THPT năm 2022. CLB Phát thanh 2 năm liền đều lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo "Video tri ân thầy cô" và đạt giải cao", thầy Hồng nói.

Buổi thử nghiệm mô hình khí động học của CLB Khoa học kỹ thuật Trường THPT Kỳ Anh.
Buổi thử nghiệm mô hình khí động học của CLB Khoa học kỹ thuật Trường THPT Kỳ Anh.

Cũng theo Bí thư Đoàn trường THPT Kỳ Anh, khi tham gia các CLB, các em học sinh được rèn luyện nhiều kĩ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và sáng tạo… Ngoài ra, đây còn là môi trường để các em trao đổi kiến thức, chia sẻ trải nghiệm, giao lưu học hỏi.

Em Phạm Thị Khánh Hòa, 11A3, trưởng ban truyền thông CLB Echo THPT Kỳ Anh chia sẻ: "Tham gia CLB truyền thông đối với em là một trải nghiệm thú vị. Ở đó, em không chỉ được sống với đam mê của mình mà còn có cơ hội gặp gỡ giao lưu với các bạn có cùng sở thích. Ai cũng có quyền ước mơ và đây chính là nơi nhen nhóm ước mơ trở thành một nhà truyền thông trong tương lai của em".

Thầy Nguyễn Nam Thắng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (TP. Hà Tĩnh) cho biết, việc đa dạng các mô hình CLB trong nhà trường không chỉ là giải pháp góp phần đào tạo con người toàn diện, nuôi dưỡng đam mê, chắp cánh ước mơ cho học sinh mà còn có tác dụng to lớn trong các hoạt động phong trào. Các CLB học sinh đã và đang góp phần làm nên màu sắc riêng trong việc tổ chức các sự kiện, các chuyên đề ngoại khóa, các cuộc thi ở trường và địa phương.

.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.