Rèn kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài sách giáo khoa

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 có một điểm đột phá là xoá bỏ được tình trạng văn mẫu bằng cách đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá.

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa: ITN
Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, chính điểm đột phá này cũng đặt ra vấn đề cần đổi mới dạy học một cách triệt để.

Trước hết, giáo viên cần cung cấp những kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài sách giáo khoa cần thiết cho học sinh có thể tự học, tự đọc một cách hiệu quả nhất.

Đọc hiểu tác phẩm văn học

Đọc hiểu là một thao tác gắn với cảm thụ, bình giảng, thẩm định, bàn luận, đồng thời là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất trong việc học Văn. Bởi tác phẩm văn học là một văn bản nghệ thuật với chất liệu là ngôn từ.

Để tiếp nhận, lĩnh hội, khám phá đối tượng đó thì người dạy và người học đều phải được trang bị và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu một cách bài bản, chắc chắn, nhuần nhuyễn, thành thục trong một quá trình lâu dài.

Nắm được kỹ năng đọc hiểu là có được chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Đọc hiểu tốt thì người giáo viên mới có kiến thức để truyền đạt tới người học. Với học sinh, phải biết đọc hiểu thì mới có kiến thức thực sự để thể hiện, bộc lộ trong bài thi.

Thậm chí đọc hiểu không chỉ được áp dụng với quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc giúp học sinh tiếp thu bài giảng. Có thể nói, không có kỹ năng đọc hiểu thì người dạy Văn và học Văn chỉ suốt đời làm một việc duy nhất là nhắc lại, nói theo người khác mà không bao giờ có được ý kiến, nhận định, đánh giá của chính mình. Không biết đọc hiểu thì không thể chiếm lĩnh được kiến thức văn chương.

Đọc một tác phẩm văn học bất kỳ, chúng ta cần chú ý các bước cơ bản sau:

Bước 1: Đọc - hiểu ngôn từ: Hiểu được các từ khó, từ lạ, các điển cố, các phép tu từ, hình ảnh… (đối với thơ). Đối với tác phẩm truyện phải nắm được cốt truyện và các chi tiết từ mở đầu đến kết thúc. Khi đọc văn bản cần hiểu được các diễn đạt, nắm bắt mạch văn xuyên suốt từ câu trước đến câu sau, từ ý này chuyển sang ý khác, đặc biệt phát hiện ra mạch ngầm – mạch hàm ẩn, từ đó mới phát hiện ra chất văn. Bởi thế, cần đọc kĩ mới phát hiện ra những đặc điểm khác thường, thú vị.

Bước 2: Đọc - hiểu hình tượng nghệ thuật: Hình tượng trong văn bản văn học hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đọc - hiểu hình tượng nghệ thuật đòi hỏi người đọc phải biết tưởng tượng, “cụ thể hóa” các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát. Đọc - hiểu hình tượng nghệ thuật còn đòi hỏi phát hiện ra những mâu thuẫn tiềm ẩn trong đó và hiểu được sự lô-gic bên trong của chúng.

Bước 3: Đọc - hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả: Phải phát hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn bản. Tuy nhiên tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học thường không trực tiếp nói ra bằng lời.

Bước 4: Đọc - hiểu và thưởng thức văn học: Thưởng thức văn học là trạng thái tinh thần vừa bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác phẩm, vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của nhà văn, vừa hưởng thụ ấn tượng sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm. Đó là đỉnh cao của đọc – hiểu văn bản văn học. Khi đó người đọc mới đạt đến tầm cao của hưởng thụ nghệ thuật

Đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình

Về cơ bản, chúng ta khi đọc hiểu một tác phẩm trong chương trình thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đọc hiểu được các tác phẩm cùng thể loại nằm ở ngoài chương trình. Do vậy, quá trình dạy học các tác phẩm ở từng bài học giáo viên không chỉ chú ý hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung mà quan trọng hơn còn cần phải giúp các em nắm vững các bước đọc hiểu một tác phẩm văn học ở một thể loại nhất định.

Đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình giúp chúng ta tích lũy kiến thức. Bên cạnh quá trình quan sát trải nghiệm thực tế, đọc hiểu là quá trình giúp ta có thêm kiến thức gián tiếp do không có điều kiện quan sát thể nghiệm.

Chúng ta thấy rõ điều này qua tấm gương của các nhà văn lớn như Victor Hugo viết “Những người khốn khổ” phải đi thực địa cống ngầm Paris, chiến trường Waterloo, Austerlitz. Mặt khác, nó giúp hiểu văn, kích thích suy nghĩ, liên hệ thực tế, bổ sung, trau dồi kinh nghiệm, kĩ thuật viết văn.

Hơn nữa, trong hoạt động làm văn, đọc và viết vốn có quan hệ mật thiết với nhau, không nắm được năng lực đọc hiểu thì ta cũng không thể làm tốt được năng lực viết bài hay còn gọi là tạo lập văn bản.

Phương pháp đọc hiểu để tích luỹ kiến thức bao gồm các lưu ý quan trọng như: Không nên đọc tràn lan mà cần chọn lọc tài liệu thuộc phạm vi mình quan tâm, do thầy cô hướng dẫn.

Đọc nắm bắt tư tưởng chủ chốt, phát hiện ra vấn đề và biết suy nghĩ liên tưởng, tưởng tượng. Đầu tiên là đọc lướt qua các đề mục, mục lục để bao quát nội dung. Chọn lọc chỗ cần đọc kĩ, đọc sâu, đọc đi đọc lại nhiều lần để nắm bắt lấy tư tưởng.

Ngoài ra còn có cách đọc trắc nghiệm, thử dự đoán phần kết thúc. Cuối cùng phải ghi vào sổ tay những trích đoạn, chi tiết, từ ngữ quan trọng, những câu danh ngôn, châm ngôn. Từ những tri thức ấy mà nẩy ra những suy nghĩ mới.

Khi đọc hiểu tác phẩm văn học dù là trong hay ngoài chương trình thì chúng ta luôn luôn phải quan tâm tới đặc trưng của giai đoạn, trào lưu, phong cách thời đại, tác giả. Ví như, khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại, ta cần lưu ý đến các vấn đề như: Văn học trung đại viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Vì thế, phải hết sức lưu ý đến bản dịch thơ, dịch nghĩa, bản phiên âm. Văn bản Hán Nôm thường dùng nhiều điển tích, điển cố và từ cổ. Khi đọc, cần phải lĩnh hội ý tứ sâu xa của điển tích và sắc thái biểu đạt cổ kính của các từ ngữ.

Văn học trung đại thiên về biểu hiện tâm, chí mà ít tả thực các hiện tượng đời sống. Do đó, các hình tượng, chi tiết phần lớn là ước lệ, tượng trưng. Vì vậy, khi đọc văn bản văn học trung đại, một mặt cần tìm hiểu ý nghĩa của các hình ảnh ước lệ, mặt khác cần khai thác tâm sự, chí hướng, lí tưởng, nhân cách mà tác giả gửi gắm trong văn bản.

Văn học trung đại thiên về xây dựng cấu trúc ngôn từ vững chãi, đối xứng, hài hoà, hàm súc. Chú ý khám phá điều này để thấy được sự công phu tỉ mỉ của người xưa khi làm thơ văn và hiểu được vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của áng thơ văn ấy.

Tác phẩm là yếu tố không thể thiếu trong quá trình học văn. Đó là đối tượng mà người đọc cần tiếp nhận, chiếm lĩnh và chinh phục. Thế giới văn chương vô cùng phong phú, muôn màu muôn vẻ như một tấm kính vạn hoa.

Điều đó được tạo nên bởi biết bao sự kiện trong hiện thực cuộc sống, cùng biết bao tư tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ trước thế giới khách quan ấy. Bởi vậy, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, văn học có vô vàn tác phẩm thuộc đủ các thể loại, các trào lưu, trường phái, thời đại, giai đoạn, phong cách sáng tác,…

Thế nên, sách giáo khoa dù được biên soạn đầy đủ, công phu đến đâu cũng không thể nào đưa được hết các tác phẩm vào nhà trường. Việc đọc tác phẩm ngoài chương trình trở thành một cách duy nhất để bổ sung chỗ còn thiếu đó. Những tác phẩm ấy sẽ mở ra rất nhiều điều mới lạ, thú vị mà sách giáo khoa không bao giờ có được.

ren ky nang doc hieu tac pham ngoai sach giao khoa (2).jpg
Minh họa/INT

Xác định mục đích và lựa chọn tác phẩm

Việc xác định mục đích sẽ quyết định đến việc triển khai nội dung và lựa chọn cách thức cho phù hợp. Giống như trước khi đặt bút viết, Hồ Chủ tịch thường đặt bốn câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? và Viết như thế nào?

Ở đây, ta không cần đặt câu hỏi đầu tiên nữa vì đối tượng mà chuyên đề này hướng tới chính là học sinh chuyên Văn. Nhưng ba câu hỏi sau cần phải làm rõ. Việc xác định đúng mục đích đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình sẽ giúp cả người dạy và người học hướng tới nội dung và cách thức phù hợp.

Nếu mục đích là để củng cố, làm rõ, khắc sâu hơn cho kiến thức trong chương trình thì ta phải chọn những tác phẩm có nét tương đồng ở ngoài chương trình, đặc biệt là hệ thống tác phẩm của chính tác giả mà ta đang tìm hiểu.

Ví như muốn giúp học sinh thấy được rõ hơn cách nhìn người nông dân của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” thì ta cần đọc hiểu thêm những truyện ngắn cùng đề tài khác của ông trong giai đoạn này như “Một bữa no”, “Tư cách mõ”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”,…

Hoặc để hiểu về hồn thơ luôn hướng về mùa Xuân, tuổi trẻ, tình yêu một cách đầy vồ vập, bồng bột của Xuân Diệu trong phong trào Thơ mới thì ngoài bài “Vội vàng” trong chương trình, ta cần đọc thêm những thi phẩm khác như “Giục giã”, “Thanh niên”, “Hy Mã Lạp Sơn”, “Xuân không mùa”, “Tương tư chiều”…

Nếu mục đích là để mở rộng, nâng cao kiến thức để người học có cái nhìn sâu sắc, đa chiều, có tư duy so sánh, phản biện thì ta nên chọn những tác phẩm có nét khác biệt với văn bản trong sách giáo khoa, đặc biệt là của những tác giả khác, thuộc những trào lưu, trường phái khác.

Vẫn là trong đề tài người nông dân trước 1945, nhưng để làm sáng tỏ những khám phá độc đáo, mới mẻ của Nam Cao thì ta cần phải liên hệ với những tác phẩm viết về cùng đề tài như phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố, truyện ngắn “Thịt người chết” hay “Đồng hào có ma” của Nguyễn Công Hoan…

Đặc biệt, riêng với học sinh chuyên Văn, việc đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình không chỉ có mục đích thiết thực là để phục vụ các kì thi mà nhiều khi còn phải hướng tới những mục đích lớn lao, cao xa hơn thế.

Tôi muốn nói tới việc đọc sách để khơi gợi niềm đam mê, tình yêu văn chương nghệ thuật, để giải trí, tìm những điều thú vị hấp dẫn giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật và để bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách. Giống như

Maksim Gorky đã nói: “Như những con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về việc cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp. Và càng đọc, trong lòng tôi càng tràn đầy tinh thần lành mạnh và hăng hái.

Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tin ở mình hơn, làm việc hợp lý hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực bội trong cuộc sống” và “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy…”.

Với mục đích như vậy, giáo viên có thể hướng dẫn, giới thiệu, gợi ý các em những tác phẩm kinh điển, đặc sắc, tốt đẹp để đọc thưởng thức, để thấy thế giới văn chương rộng lớn, phong phú và kì diệu đến mức nào.

Cách đọc như thế giúp các em hoàn toàn giải phóng đầu óc, không còn áp lực về thi cử hay thành tích. Người học được toàn quyền chọn tác phẩm theo ý thích của mình để nghiền ngẫm rồi cùng giáo viên và bạn học trao đổi, bàn luận, đánh giá.

Việc làm này không chỉ bồi dưỡng tình cảm văn chương mà còn kích thích, phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tính tích cực, chủ động của người học. Đấy mới là một trong những điều sẽ đi theo các em suốt đời, là một trong những cái được nhất mà môn Ngữ văn nói riêng hay giáo dục nói chung mang đến cho chúng ta, giống như nhà thơ Bằng Việt từng viết:

“Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ

Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”

(Nghĩ lại về Paustovsky)

Chương trình Ngữ văn 2006 đã khép lại bằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 – kiểm tra đánh giá một tác phẩm văn học đã được học trong chương trình lớp 12. Chương trình GDPT 2018 đang mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với tất cả các môn học, trong đó có môn Ngữ văn. Hy vọng và tin tưởng rằng chương trình mới sẽ đáp ứng được một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Dạy học các tác phẩm văn chương trong sách giáo khoa chỉ còn là cách thức giúp học sinh tiếp cận các đặc điểm thể loại để từ đó các em có thể tự đọc hiểu, khám phá vẻ đẹp của các tác phẩm khác ở cùng thể loại. Và, khi kiểm tra, đánh giá các tác phẩm đã được học trong chương trình sẽ không được sử dụng trong các ngữ liệu của đề thi.

Điều này, một mặt giúp giải quyết được thực trạng học thuộc, học tủ; mặt khác, giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, kích thích những cảm nhận riêng cho các em trong quá trình phân tích… một tác phẩm văn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ