Cảm thụ văn học

Đọc hiểu một số tác phẩm Thơ mới trong Chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 đã giới thiệu thêm các tác phẩm Thơ mới lần đầu được đưa vào sách giáo khoa.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Có thể kể tới các tác phẩm như “Mưa xuân” (Nguyễn Bính), “Nắng mới” (Lưu Trọng Lư), “Đường về quê mẹ” (Đoàn Văn Cừ). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề nhằm giúp học sinh đọc hiểu ba thi phẩm nói trên.

Mưa xuân II (Nguyễn Bính - Ngữ văn 8 - Tập 1, Chân trời sáng tạo)

Nguyễn Bính (1918 - 1966) được coi là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới 1932 - 1945 (cùng với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử). Trong khi các nhà Thơ mới hăm hở đón nhận những luồng gió mới từ thơ phương Tây để hiện đại hóa thơ Việt thì Nguyễn Bính vẫn lặng lẽ trở về truyền thống với những vần thơ mang đậm hồn quê, nhà quê như nhà phê bình Hoài Thanh tôn vinh “quê mùa như Nguyễn Bính”.

Chính điều đó đã giúp nhà thơ có vị trí riêng trên thi đàn và hơn chín mươi năm phong trào Thơ mới diễn ra, đã có bao nhà thơ ảnh hưởng từ Nguyễn Bính nhưng dường như chưa có ai vượt qua đỉnh cao thơ ấy.

Bài thơ “Mưa xuân II” được giới thiệu năm 1958, sau này đưa vào in trong Nguyễn Bính toàn tập – NXB Hội Nhà văn 2017. Cảm xúc bài thơ gắn với khung cảnh mùa Xuân nơi làng quê thanh bình thuở nào với mưa xuân lất phất bay, hoa dại nở, vườn cam xanh thẫm, tơ nhện trắng ngần, bướm lượn khẽ khàng, cây cối đâm chồi, sương mù phảng phất… Vẻ đẹp thiên nhiên mùa Xuân nơi làng quê hiện ra thật trong trẻo, thanh bình.

Mỗi câu thơ là một nét vẽ, một mảng màu, một ấn tượng trong bức tranh mùa Xuân tươi tắn, căng tràn sức sống, cảnh vật hiện ra đầy quyến rũ, thơ mộng mà gần gũi, chân thực. Mưa xuân rất nhẹ, rất thưa, dường như không nhìn rõ mà chỉ có thể cảm nhận trên cỏ cây hoa lá, đó là lá cam lá quýt trở nên xanh thẫm dưới mưa xuân, tơ nhện giăng sợi trắng ngần, bướm bay không ướt cánh, đường mát da chân, cỏ dại nở hoa xanh… tất cả như được gột rửa để khoác lên mình bộ áo mới mùa Xuân trong trẻo, tinh khôi:

Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa

Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa

Cây cam cây quýt cành giao nối

Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.

Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân

Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần

Bươm bướm cứ bay không ướt cánh

Người đi trẩy hội tóc phơi trần.

Đường mát da chân lúa mát mình

Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh

Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng

Nghếch mõm nghe vang trống hội đình

Mở tầm mắt ra xa hơn, thi nhân thấy núi tươi màu, cò trắng bay là là mặt ruộng, bãi lạch, bờ dâu sẫm lá tơ, không gian lơ lửng mùa sương… tất cả nhằm hoàn chỉnh bức tranh mưa xuân nơi làng quê nhẹ nhàng mà giàu sức gợi. Bao trùm bức tranh mùa Xuân là gam màu xanh thẫm, gam màu của sự sống, của sinh sôi, của mùa màng tươi tốt và của hy vọng:

Núi lên gọn nét đá tươi màu

Xe lửa về Nam chạy chạy mau

Một toán cò bay là mặt ruộng

Thành hàng chữ nhất trắng phau phau.

Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ

Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ

Chiều xuân lưu luyến không đành hết

Lơ lửng mù sương phảng phất mưa.

(Mưa xuân II)

Bên cạnh bức tranh thiên nhiên, bài thơ còn cho ta thấy tâm trạng nhân vật trữ tình khi mùa Xuân về, mặc dù tâm trạng ấy xuất hiện qua vài câu thơ nhưng ẩn trong cả bài thơ là con người háo hức trước mùa Xuân. Đó là đoàn người trẩy hội mùa Xuân đầu để trần, tiếng trống hội đình nhộn nhịp, đoàn xe lửa nối đuôi nhau về Nam… khiến nhân vật trữ tình cũng đầy lưu luyến.

Con người và thiên nhiên hài hòa trong vẻ đẹp gần gũi, thơ mộng, nhân vật trữ tình như hòa cùng đoàn người trẩy hội với với tâm trạng hào hứng, rộn ràng của những ngày xuân mới. Với ngôn từ giản dị, hình ảnh giàu sức gợi cùng thể thơ thất ngôn, Nguyễn Bính đã góp thêm vào kho tàng thơ mùa Xuân những áng thơ xuân xanh mát, làm rung động lòng người.

Chúng ta cùng đọc thêm thơ Mùa Xuân xanh để cảm nhận thêm vẻ đẹp mùa Xuân trong thơ ông, thi phẩm được sáng tác năm 1937 khi thi nhân chưa đầy hai mươi tuổi. Theo quy luật tự nhiên bốn mùa luân chuyển, mùa Xuân là khởi đầu, vạn vận sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nên không ngạc nhiên khi Nguyễn Bính gọi là mùa Xuân xanh nhưng điều đáng nói là điệu cảm xúc của bài thơ gắn liền với màu xanh, màu của sự sống, của cây lá tốt tươi, của hy vọng.

Với không gian làng quê màu xanh càng hiện hữu một cách rõ ràng, sinh động nhất với khung trời cao rộng, đồng lúa thì con gái, bờ cỏ non xanh, lũy tre xanh và cùng hòa với những điệu xanh đó, chiếc thắt lưng cũng không thể có màu nào phù hợp hơn. Ấn tượng về màu xanh như trải dài ra miên man, vô tận theo hình thức câu thơ vắt dòng ở hai câu thơ cuối mỗi khổ:

Mùa Xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

(Mùa Xuân xanh)

Nguyễn Bính đã đóng góp cho nền thơ hiện đại những vần thơ mang lại nhiều cảm xúc vừa truyền thống vừa hiện đại hay đó cũng là những cách mà nhà thơ đến hiện đại từ truyền thống mà trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi chưa có điều kiện đề cập hết.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã khẳng định tầm vóc, vị trí cũng như đóng góp của Nguyễn Bính trong nền văn học dân tộc: “Là một trong những đỉnh cao nhất của phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính cũng là gương mặt kinh điển của một mẫu nhà thơ có ở mọi nền thơ: Nhà thơ chân quê. Mỗi xứ sở khi thời thế biến thiên là lại sinh ra Nguyễn Bính của mình. Người thơ nào cố níu giữ những giá trị ngàn đời đang có nguy cơ mai một trước sự vần xoay, người ấy là Nguyễn Bính.

Người thơ nào gắng lưu giữ hồn xưa xứ sở trước sự xoá bỏ lạnh lùng của hiện đại, bằng chính những hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ quê kiểng nhất của xứ mình, người ấy là Nguyễn Bính. Và, bao trùm hơn, người thơ nào luôn đau đáu một niềm hoài niệm cội nguồn, khi số phận đã khiến con người bật khỏi gốc quê, người ấy chính là Nguyễn Bính. Bởi thế, Nguyễn Bính sẽ còn tái sinh không ngừng trong lớp lớp thế hệ thơ của mọi nền thơ”.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Nắng mới (Lưu Trọng Lư - Ngữ văn 8 - Tập 1, Cánh diều)

Lưu Trọng Lư (1911 - 1991) là một trong những nhà Thơ mới có ấn tượng riêng mà Hoài Thanh từng nhận xét “mơ màng như Lưu Trọng Lư”, ông còn là nhà văn, nhà soạn kịch lớn của dân tộc. Thơ Lưu Trọng Lư thường trong sáng, giản dị mà dư vị lắng sâu, bài thơ Nắng mới là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của ông. Nắng mới được in trong tập thơ Tiếng thu, xuất bản năm 1939.

Nhan đề Nắng mới gợi đến liên tưởng về thời gian, về giai đoạn giao mùa, chuyển mùa kết thúc những ngày mưa rét và chỉ diễn ra một lần trong năm đó là khoảng cuối Xuân đầu Hạ nhưng ở bài thơ này còn gắn với kí ức về người mẹ thân thương. Mỗi lần nắng mới về những kỷ niệm gắn với người mẹ lại ùa về trong lòng nhân vật trữ tình, những kỷ niệm ấy trào dâng qua những con chữ, những hình ảnh, những dòng thơ với bao nhớ thương, hoài niệm.

Ở khổ đầu bài thơ, thi nhân đã khéo léo gợi nhắc lại những kỷ niệm về người mẹ qua hình ảnh nắng mới hắt bên song, đó là thứ nắng đầu mùa trong trẻo, tinh khôi, không chói chang gay gắt cùng với đó là tiếng gà trưa xao xác, não nùng, tất cả hòa tụ vào tâm trạng nhân vật trữ tình khi trong lòng buồn rượi nhớ lại thời dĩ vãng, những ngày chưa xa trong kí ức. Khổ thơ đầu mới chỉ khơi gợi nhưng đã đưa người đọc vào trường cảm xúc buồn nhớ, hoài niệm bâng khuâng, những câu thơ đầu đã tạo hiệu quả lan truyền rất mạnh đến người đọc:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Hai khổ thơ sau những kí ức về người mẹ hiện ra, theo dòng tâm tưởng mỗi khổ thơ cũng chỉ tập trung làm rõ một hành động, một nét chân dung ở người mẹ nhưng đó là những hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh với nhân vật trữ tình, hình ảnh không thể quên, chưa bị xóa mờ.

Hai khổ thơ đều nghiêng về gợi hơn là tả, bút pháp chấm phá đã phác họa chân dung người mẹ hiền từ, gần gũi, thân thương với hành động đem áo đỏ phơi trước giậu khi nắng mới và nụ cười đen nhánh sau tay áo, một nụ cười thật nhẹ, thật hiền trong một buổi nắng mới trưa hè. Chỉ một nụ cười mà đủ thể hiện hình ảnh của một bà mẹ quê hiền lành, phúc hậu cùng nỗi nhớ thương da diết của người con. Những kí ức đẹp về mẹ của cậu bé mười tuổi còn theo mãi trong tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân đến mãi sau này:

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Đúng như nhiều người nhận xét, thơ Lưu Trọng Lư nghiêng nhiều về nội tâm hơn ngoại giới, hơn nữa những bài thơ hay về mẹ bao giờ cũng giản dị, chân tình, Nắng mới là bài thơ như thế. Nắng mới là môt bài thơ hay của Lưu Trọng Lư nói riêng và của mảng thơ viết về mẹ nói chung, quả đúng như trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho rằng: “Mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thật không phải thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật mà chính tiếng lòng thổn thức cùng hòa trong tiếng thổn thức của lòng ta”.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Đường về quê mẹ (Đoàn Văn Cừ - Ngữ văn 8 - Tập 1, Cánh diều)

Đoàn Văn Cừ (1913 - 2004) được đánh giá là nhà thơ của thôn quê, của lễ tết hội hè, ông không chỉ ghi lại cảnh quê một thuở mà còn nói được tình quê chan chứa qua các thi phẩm của mình. Mội bài thơ của Đoàn Văn Cừ như một bức họa về phong cảnh làng quê với nhiều nét vẽ chân thực, nhiều gam màu mộc mạc nhưng vẫn ánh lên những vẻ đẹp riêng. Nhà phê bình Hoài Thanh cũng không quá lời khi ca ngợi “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”.

Đường về quê mẹ được in trong tập Thôn ca (1944) được đánh giá là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của thi sĩ họ Đoàn về cảnh quê (cùng với Chợ tết, Đám hội). Tuy nhiên khác với hai bài thơ nói trên, Đường về quê mẹ ngoài việc miêu tả cảnh sắc làng quê còn khắc họa chân dung người mẹ dịu hiền của nhà thơ cùng tình cảm nhớ thương của người con.

Nhan đề bài thơ đã gợi ra đầy đủ những ý tứ đó, đường về quê mẹ cũng là đường trở về với những gì thân thuộc nhất, trở về với tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người - tình mẫu tử. Từ mạch cảm xúc ấy, bài thơ được triển khai trên mấy khía cạnh sau:

Cảnh sắc thiên nhiên và con người trên đường về quê mẹ: Nhà thơ chọn thời điểm mùa Xuân, mùa khởi đầu của năm mới gắn với dịp Tết Nguyên đán, dịp đoàn tụ của mỗi gia đình cũng như thăm hỏi người thân, nhận họ hàng. Đó cũng là thời điểm Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần, nhân vật trữ tình được mẹ cho về thăm quê ngoại, về nhận họ hàng.

Qua hai khổ thơ 2 và 4, cảnh sắc làng quê hiện ra qua ngòi bút của Đoàn Văn Cừ chân thực, mộc mạc, bình dị với những rặng đề, những dòng sông uốn lượn, những bãi cồn xanh biếc nối tiếp nhau. Thời điểm lại là chiều xuân không khí mát lành, trời xanh, mây trắng, nắng nhạt vàng thêm những cánh cò trắng từng đôi bay lượn, những quán chợ phơi xác lá bàng đông cũ sót lại, tất cả hài hòa như một bức họa với nhiều đường nét, nhiều gam màu nhưng rất dễ nhìn. Cùng với đó là những con người quê hiền lành, chăm chỉ đang chuẩn bị cho mùa vụ mới, người xới những luống cà, ngô, người gánh khoai lang về ấp tất cả gợi ra nhịp điệu mùa vụ ở nông thôn với sự yên bình:

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn ven đê.

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

…………

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Chân dung người mẹ của nhà thơ: Hai khổ thơ 3 và 5, nhà thơ tập trung khắc họa chân dung người mẹ, đó là hình ảnh của những bà mẹ nông thôn trước cách mạng. Giữa không gian xanh mát, thanh bình của làng quê hiện lên vẻ đẹp dịu dàng của cô thôn nữ với thúng cắp hông, nón đội đầu, trang sức là khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu cùng với nhan sắc tự nhiên mắt sáng, môi hồng, má đỏ au… Tất cả góp phần tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh của người mẹ với vẻ đẹp truyền thống, dịu dàng, phúc hậu. Vẻ đẹp ấy như còn mãi trong kí ức nhà thơ dù thời gian không ngừng trôi chảy:

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

…………..

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,

Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.

Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cúi nón mang đi cặp má hồng.

Những câu thơ thoáng có chút buồn khi nghĩ về mẹ nhưng vẻ đẹp đức hạnh của mẹ lại ngời sáng ở khổ thơ kết bài, nết thảo hiền, đường ăn ở của mẹ khiến ai cũng cảm phục. Thơ Đoàn Văn Cừ bao giờ cũng mộc mạc, giản dị, quê kiểng nhưng đó lại chính là cái hơn người của ông, để thơ ông còn lại trong bao thế hệ bạn đọc:

Tới đường làng gặp những người quen.

Ai cũng khen u nết thảo hiền,

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên.

Phong trào Thơ mới đã trải qua hơn 80 năm nhưng những giá trị của nó để lại vẫn còn sức sống lâu bền, ba bài Thơ mới nói trên được đưa vào chương trình Ngữ văn mới đều có chung cảm xúc chân thành, ngôn từ, hình ảnh mộc mạc, giản dị và góp phần bỗi dưỡng cho học sinh những tình cảm tốt đẹp về quê hương, gia đình để từ đó hình thành nhân cách ở các em.

Thơ mới ra đời cách đây hơn 90 năm và trở thành cuộc cách mạng trong thơ ca. Sự phát triển và thành tựu của Thơ mới được khẳng định với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, nhiều tác giả được đưa vào chương trình sách giáo khoa trong mấy chục năm qua như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Đình Liên, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ… Điều đó khẳng định vị trí quan trọng của Thơ mới trong lịch sử văn học dân tộc.

Kế thừa các bộ sách giáo khoa trước đây, chương trình Ngữ văn 2018 tiếp tục lựa chọn, giới thiệu các tác giả, tác phẩm Thơ mới tiêu biểu để đưa vào giảng dạy thông qua các bộ sách của các nhóm biên soạn. Ngoài những tác giả, tác phẩm quen thuộc như “Vội vàng”, “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu), “Tràng giang” (Huy Cận), “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), “Tương tư” (Nguyễn Bính), “Chiều Xuân” (Anh Thơ)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ