Học sinh không chỉ chủ động tìm hiểu, tiếp cận văn bản mà còn cần có ý thức đọc, suy ngẫm, liên tưởng và tăng cường tính tự chủ để hoàn thiện trí tuệ và nhân cách cá nhân thông qua môn học. Sử thi với đặc điểm riêng của mình đã trở thành một thể loại có ưu thế trong việc dạy học theo hướng tích cực
Giáo viên có thể áp dụng những phương pháp như sau để đổi mới giờ dạy tăng hiệu quả bài học
Phương pháp gợi mở
Có thể nói phương pháp gợi mở là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong việc dạy đọc – hiểu văn bản hiện nay. Phương pháp này được thực hiện thông qua hệ thống các câu hỏi và sự đối thoại giữa các giáo viên và học sinh.
Giờ đọc – hiểu sẽ có hàng loạt những câu hỏi mang tính chất vấn đáp để học sinh thảo luận, trao đổi, nắm bắt được nội dung bài. Phương pháp này tạo ra bầu không khí dân chủ cho giờ học, kích thích sự sáng tạo của học sinh, khắc phục hạn chế của giờ học mang tính chất đọc, chép trước đây.
Hệ thống câu hỏi được dùng trong bài học phong phú, đa dạng, linh hoạt, đồng thời cũng phải bám sát đối tượng. Để thực hiện điều này, giáo viên cần phải nắm chắc nội dung văn bản, hiểu kĩ từng chi tiết tác phẩm đưa ra câu hỏi phù hợp.
Với đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” giáo viên có thể đưa ra các dạng câu hỏi như
Trận đánh nhau với Mtao Mxây được miêu tả qua những chặng nào?
Để trả lời câu hỏi này, giáo viên có thể gợi ý học sinh bằng những câu hỏi nhỏ: Diễn biến của hiệp đấu thứ nhất như thế nào? Thái độ và tài năng của Đăm Săn và Mtao Mxây được thể hiện thế nào?
Cảnh hai người múa khiên được miêu tả đối lập như thế nào? Tại sao Đăm Săn không múa khiên trước mà để Mtao Mxây múa trước?
Theo em tài nghệ của Mtao Mxây có đúng như hắn khoe khoang hay không?
Hoặc giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu diễn biến của hiệp đấu thứ 2 bằng các câu hỏi: Ở hiệp đấu thứ 2, ai là người múa khiên trước? Chi tiết miếng trầu của Hơ Nhị quăng cho Mtao Mxây nhưng Đăm Săn lại giành được nói lên điều gì? Ý nghĩa của chi tiết ông trời mách kế cho Đăm Săn là gì?
Tương tự như vậy ở các tác phẩm khác, giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi gợi mở khi phân tích về những chi tiết quan trọng trong văn bản. Trong đoạn trích “ Uy- lit-xơ trở về” khi tìm hiểu cuộc gặp gỡ của hai vợ chồng, giáo viên có thể đặt câu hỏi:
Trước khi Uy - lit- xơ trở về, Pê- nê- lốp rơi vào hoàn cảnh như thế nào? Khi được nhủ mẫu báo tin chồng trở về, tâm trạng của nàng ra sao? Qua cử chỉ và lời nói của nàng cho thấy Pê-nê- lốp là người phụ nữ như thế nào?
Hệ thống câu hỏi gợi mở được giáo viên đưa ra để giúp học sinh theo sát nội dung tác phẩm, nắm chắc được ý nghĩa của văn bản sử thi.
Xây dựng tình huống có vấn đề trong giờ đọc – hiểu
Là một thể loại có từ lâu đời có khoảng cách xa so với thời đại ngày nay, trong quá trình khám phá văn bản sẽ nẩy sinh không ít vấn đề. Đây là những tình huống giáo viên có thể đặt ra để học sinh khám phá.
Khi học về văn bản Chiến thắng Mtao Mxây giáo viên có thể đặt vấn đề: Cuộc chiến của Đăm Săn có phải chỉ là cuộc chiến đòi lại vợ hay không? Hay còn vì lí do khác, lí do đó là gì?
Trong đoạn trích Rama buộc tội, giáo viên có thể nêu vấn đề bằng câu hỏi: Theo em Xi ta có tội không? Tại sao tác giả để Ra ma buộc tội chứ không phải là luận tội? Vì sao tác giả dân gian lại để Xi ta lựa chọn cach nhẩy vào ngọn lửa để chứng minh sự trong sáng của mình?
Với những tình huống này, học sinh suy nghĩ trả lời để làm nổi bật được đặc trưng của thể loại văn học sử thi. Học sinh được khuyến khích tự tìm tòi, phát biểu, phát huy tính sáng tạo của mình để giải quyết vấn đề.
Ngoài ra giáo viên sẽ có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ dạy, kết hợp với phương pháp thảo luận nhóm để bàn bạc, trao đổi về những chi tiết những sự kiện quan trọng trong văn bản.