Để rèn học sinh kĩ năng tự học, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (Tổ trưởng Tổ Toán - Tin, Trường THPT Trưng Vương cho biết, các thầy cô trong Tổ thường thực hiện theo các bước:
Tạo động lực; tạo niềm tin; giao công việc; hướng dẫn học sinh lập kế họach thực hiện và ghi chép lại những kiến thức gặt hái được, kiểm tra kết quả của học sinh.
Muốn tạo động lực, trước tiên, giáo viên cần gieo ý thức học bộ môn Toán cho học sinh trong mỗi bài giảng.
Ví dụ, lồng ghép vào các bản chất toán học, nêu lịch sử vấn đề, ứng dụng của toán học trong cuộc sống hoặc các câu chuyện vui về toán học.
Đối với học sinh lớp khá, đôi lúc giới thiệu cách nhìn tổng quát, mở rộng, hoặc đi sâu một vấn đề nào đó để học sinh có thể tư duy toán tốt hơn.
Những kỹ năng cần thiết giúp học sinh tự học Toán được các thầy cô chú trọng rèn cho học sinh trong các bài giảng như sau:
Lên kế hoạch tự học
Kỹ năng lên kế hoạch việc tự học cần tuân thủ các nguyên tắc: Tự vạch kế hoạch; đảm bảo thời gian tự học tương xứng với lượng thông tin của môn học;
Xen kẽ hợp lý giữa các hình thức tự học, giữa các môn học, giữa giờ tự học, giờ nghỉ ngơi, thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự học như biết cách làm việc độc lập, biết tự kiểm tra.
Kỹ năng nghe và ghi bài
Quy trình nghe giảng gồm các khâu: Ôn bài cũ, làm quen với bài sắp học, hình dung các câu hỏi đối với bài mới.
Khi nghe giảng, học sinh cần tập trung theo dõi sự dẫn dắt của thầy cô, liên hệ với kiến thức đang nghe, kiến thức đã có với các câu hỏi đã hình dung trước.
Cần lưu ý cách ghi bài khi nghe giảng như: Ghi một cách chọn lọc, sử dụng kí hiệu riêng, ghi cả chính đề lẫn phản đề, đánh dấu những bước quan trọng trong một bài giải (gọi đó là bước chìa khoá).
Học sinh cũng cần đánh dấu những chỗ bản thân chưa hiểu rõ để sau đó xem kỹ lại, trao đổi bạn bè hoặc hỏi lại riêng thầy cô; đánh dấu và ghi chép lại các vấn đề quan trọng khi tự đọc tài liệu.
Kỹ năng ôn tập
Kỹ năng này được chia làm hai nhóm là kỹ năng ôn và kỹ năng tập luyện.
Kỹ năng ôn bài là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc chiếm lĩnh kiến thức bài giảng của thầy.
Đó là hoạt động tái nhận bài giảng như xem lại bài ghi, mối quan hệ giữa các đoạn rời rạc, bổ sung bài ghi bằng các thông tin nghiên cứu được ở các tài liệu khác, nhận diện cấu trúc từng phần và toàn bài.
Việc tái hiện bài giảng dựa vào những biểu tượng, khái niệm, phán đoán được ghi nhận từ bài giảng của thầy, từ hoạt động tái nhận bài giảng, dựng lại bài giảng của thầy bằng ngôn ngữ của chính mình, đó là những mối liên hệ logic có thể có cả kiến thức cũ và mới.
Sau mỗi bài học (đặc biệt là sau các giờ học chuyên đề), giáo viên cần học sinh cần tự hệ thống lại các kiến thức và quan trọng theo ý hiểu hoặc theo sơ đồ tư duy càng tốt.
Kỹ năng luyện tập có tác dụng trong việc hình thành kỹ năng tương ứng với những tri thức đã học. Từ việc tự giải bài tập, thầy cô có thể gợi ý cho học sinh tự thiết kế những loại bài tập cho mình giải, vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Kỹ năng đọc sách
Với kỹ năng này, học sinh phải xác định rõ mục đích đọc sách, chọn sách đọc phù hợp như tìm hiểu nội dung tổng quát của quyển sách, đọc thử một vài đoạn, đọc lướt qua nhưng có trọng điểm, đọc kỹ có phân tích, nhận xét, đánh giá. Khi đọc sách cần tập trung chú ý, tích cực suy nghĩ, khi đọc phải ghi chép.
Để hướng dẫn cho học sinh có thể tự học môn toán một cách sáng tạo và hiệu quả nhất, các thầy cô tổ Toán - Tin (Trường THPT Trưng Vương) thường làm việc theo các bước:
Truyền đạt phương pháp giải cho học sinh (kết hợp truyền tải cách tư duy như thế nào để có phương pháp giải đó); Yêu cầu học sinh giải các bài tập tương tự;
Yêu cầu học sinh tự ra các đề bài tập có phương pháp giải đó( khi này giáo viên giao công việc cho học sinh theo nhóm và có sự giúp đỡ của thầy cô);
Học sinh đến lớp trao đổi các kết quả gặt hái được với các nhóm khác; Giáo viên nhận xét và rút ra kết luận.
Với cách làm như trên, học sinh được tư duy sáng tạo thực sự với các vấn đề toán học cụ thể và được thỏa sức sáng tạo theo cách hiểu của mình.