Erdogan và các biện pháp thanh trừng đẫm máu
Hơn 2.800 người bị bắt giữ sau cuộc đảo chính đã nói lên tất cả. Điều làm dư luận lo ngại là, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đang có ý định khôi phục lại luật tử hình vốn đã bị hủy từ năm 2004.
Theo các nguồn tin, chỉ trong ngày thứ Hai (18/7), 8.000 cảnh sát, hơn 2.700 quan tòa, 30 thống đốc và 47 người đứng đầu chính quyền huyện bị sa thải. Chính quyền Erdogan còn bắt giữ ít nhất 103 tướng lĩnh và đô đốc, trong đó có cựu chỉ huy các lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ Akin Ozturk. Tất cả những người này phải chịu hình phạt đích đáng - Erdogan tuyên bố. Tùy viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Kuwait Michael Ihsanoglu, người được coi là tham gia vụ đảo chính, cố gắng bay sang châu Âu nhưng đã bị bắt giữ ở Ả-rập Xê-út. Vụ bắt giữ diễn ra theo yêu cầu của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo chủ Fetullah Gulen, người được coi là chủ mưu của cuộc đảo chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Washington không chấp thuận theo yêu cầu của Ankara, rất có thể sân bay Incirlik - căn cứ quân sự mà Mỹ dùng để tham chiến tại Syria sẽ bị đóng cửa.
Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn căng thẳng. Mặc dù Ankara tuyên bố đã ổn định nhưng ngày 18/7, chính quyền vẫn tăng cường 1.800 cảnh sát cho thành phố Istanbul. Cảnh sát được phép bắn hạ tất cả các máy bay trực thăng hoạt động trái phép trên không trung.
Theo các nhà phân tích, nhân cơ hội này, Tổng thống Erdogan đang làm tất cả để củng cố vị thế của ông trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi phương Tây lên tiếng
Vào đêm trước cuộc họp, các cơ quan ngoại giao tại Hội nghị ASEM ở Ulan-Bator (Mông Cổ), phương Tây đã lên tiếng phản đối những hành động mang tính chất bạo lực của Tổng thống Erdogan.
Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU Federica Mogherini đã cảnh báo Ankara rằng, tất cả những hành động bạo lực đối với phe đảo chính của ông Erdogan có thể làm hỏng trật tự hiến pháp.
Trong bữa ăn sáng với John Kerry, bà Mogherini cho rằng “không có lời bào chữa” cho hành động vi phạm các quy định của pháp luật. Bà Federica Mogherini nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của Hội đồng Châu Âu, đã ký Công ước Châu Âu về Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, trong đó nghiêm cấm các hình phạt tử hình. Federica Mogherini nhấn mạnh: “Không một quốc gia nào có thể vào EU nếu áp dụng hình phạt tử hình. EU không có một vị trí phù hợp với việc sử dụng các biện pháp này”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Eyraud bổ sung: “Chúng tôi không thể chấp nhận một chế độ độc tài quân sự. Nhưng chúng ta cũng cần phải cẩn thận - các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ không được áp đặt một hệ thống chính trị quay lưng lại với dân chủ. Thượng tôn pháp luật phải được tuân thủ…”.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert nói với các phóng viên ở Berlin rằng EU là “một cộng đồng những giá trị” và “tổ chức các hình phạt tử hình có nghĩa là quốc gia đó không thể là một thành viên”. Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Kurier, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz mô tả là “hoàn toàn không thể chấp nhận” khi Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi khôi phục án tử hình. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, EU nên phác thảo cho Erdogan một “giới hạn” trong việc trừng phạt những người tham gia cuộc đảo chính quân sự.
“Không nên có những cuộc thanh trừng và hình phạt vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành” - Sebastian Kurz nhấn mạnh.
Cao ủy Johannes Hahn, người phụ trách về các vấn đề của thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: Có ấn tượng rằng, Ankara trước cuộc đảo chính đã chuẩn bị một danh sách những người bị bắt giữ. “Đây chính là những gì chúng tôi lo ngại” - Johannes Hahn chia sẻ.
Như vậy, trước áp lực của phương Tây, Tổng thống Erdogan phải cân nhắc: Hoặc là khôi phục lại luật tử hình, hoặc là thành viên của EU.