Con số này được một số trường chia sẻ chiếm khoảng 2 - 5% trên tổng chỉ tiêu. Không chỉ diện trúng tuyển theo nguyện vọng 2, 3, hiện tượng chuyển ngành, chuyển trường xảy ra với cả những sinh viên trúng tuyển ở nguyện vọng 1. Đáng chú ý, sinh viên nộp đơn thường rơi vào thời điểm kết thúc học kỳ đầu tiên hoặc năm thứ nhất đại học.
Về cơ bản, các nhà trường đều linh động, tạo điều kiện cho sinh viên có nguyện vọng, đặc biệt khi có hành lang pháp lý là Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học. Quy chế quy định rõ điều kiện để sinh viên được chuyển ngành, nơi học, cơ sở đào tạo, hình thức học.
Theo đó, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác khi “không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định…”. Sinh viên cũng cần đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo trong cùng khóa tuyển sinh; cơ sở đào tạo có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng,…
Quy chế của mỗi cơ sở đào tạo sẽ quy định chi tiết thẩm quyền, điều kiện, thủ tục chuyển chương trình, ngành đào tạo, chuyển nơi học, cơ sở đào tạo hoặc hình thức học; việc công nhận kết quả học tập hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy cho sinh viên thuộc các trường hợp này.
Có thể thấy, chuyển ngành, trường là nhu cầu thực tế. Nhưng việc năm nào cũng có số lượng không nhỏ sinh viên mới nhập học, hoặc học kết thúc năm thứ nhất mong muốn chuyển ngành, trường lại là vấn đề đáng suy ngẫm.
Điều này cho thấy còn có hạn chế trong công tác tư vấn, hướng nghiệp. Người học chưa được hỗ trợ một cách hiệu quả từ phía nhà trường và gia đình; chưa tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, sự phù hợp với năng lực, sở thích, cơ hội nghề nghiệp, hoặc đặt nguyện vọng cốt sao có thể trúng tuyển đại học… dẫn đến chọn ngành theo cảm tính, đám đông. Khi vào học mới nhận thấy không phù hợp, khó khăn, chán nản, mất động lực và hứng thú học tập.
Việc đưa ra quyết định đúng đắn ngay từ đầu, chọn được một ngành học phù hợp để theo đuổi, gắn bó lâu dài vô cùng quan trọng. Không coi trọng việc chọn đúng ngành, trường là thiếu trách nhiệm với bản thân mình. Chọn sai ngành không khác gì tự dựng lên rào cản cho mình ngay từ vạch xuất phát, khó phát huy năng lực và thành công trong sự nghiệp. Bên cạnh đó, thay đổi ngành/trường học, dù ở thời điểm nào cũng ảnh hưởng tiêu cực, gây tổn thất cho sinh viên, cả về thời gian, công sức, tiền bạc; đồng thời lãng phí lớn đối với gia đình và xã hội.
Để giảm thiểu tình trạng chuyển ngành, trường, bên cạnh ý thức trách nhiệm của người học và gia đình, công tác tư vấn, hướng nghiệp là giải pháp đang được ngành Giáo dục chú trọng. Giáo dục hướng nghiệp được thể hiện đậm nét trong Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt ở THPT, học sinh được tập trung nhiều hơn nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, không thể phủ nhận công tác này còn nhiều thách thức khi trường THPT hầu như chưa có đội ngũ cán bộ phụ trách hướng nghiệp được đào tạo bài bản, đặc biệt ở khâu tư vấn hướng nghiệp; điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp ở nhiều trường còn hạn chế...
Một nghiên cứu về thực trạng công tác tư vấn hướng nghiệp ở một số trường THPT tại TPHCM cho thấy, trong số những học sinh được khảo sát, có đến 69,5% không biết nghề mình chọn có những yêu cầu gì về phẩm chất, năng lực; 62,3% không biết bản thân phù hợp với nghề nào; 61,4% cho biết không có người am hiểu về nghề để tư vấn; 57,4% không biết những ngành nghề xã hội, địa phương đang cần; 56,1% thiếu thông tin về trường đào tạo; 48,4% cho biết thiếu thông tin về ngành nghề… Điều này cho thấy cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp; từ đó giảm thiểu việc chọn nhầm ngành, trường của người học.