Ngành học nào hấp dẫn trong bối cảnh chuyển đổi số?

GD&TĐ - Với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành GD đang đứng trước cả thách thức và cơ hội trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả trong đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu mới.

Thực hành CNTT của hệ thống đào tạo T3H tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Thực hành CNTT của hệ thống đào tạo T3H tại Đại học Quốc gia TPHCM.

Đầu ra “đắt hàng”

Nhóm thực hiện đề tài Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025 (thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”) đã có một khảo sát công phu liên quan đến đào tạo và nhân lực CNTT. Các đối tượng khảo sát gồm cơ sở đào tạo CNTT; giảng viên, sinh viên năm cuối và sinh viên đã tốt nghiệp ngành CNTT, người lao động làm việc trong các ngành CNTT và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại 5 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh).

Khảo sát cho thấy, quy mô đào tạo nhân lực CNTT trình độ ĐH không ngừng được mở rộng trong giai đoạn 2009 - 2018, với số cơ sở có đào tạo CNTT chiếm gần 70% tổng số các cơ sở giáo dục ĐH. Số lượng sinh viên CNTT tuyển sinh hàng năm chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên tuyển mới. Hiện có 18 mã ngành, trong đó CNTT là mã ngành luôn thu hút nhiều sinh viên nhất.

Điều đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên học CNTT ra trường có việc làm rất cao. Có đến 80% sinh viên CNTT được khảo sát có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và không có sinh viên nào thất nghiệp sau 6 tháng. Đặc biệt, một tỷ lệ đáng kể (khoảng 36,67%) có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

Kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện với sự tham gia của 986 doanh nghiệp cho thấy: 60% ý kiến cho rằng, việc tuyển nhân lực trực tiếp sản xuất kinh doanh ngày càng khó; 25% ý kiến đưa ra khó khăn trong tuyển nhân lực quản lý. Với tuyển nhân lực theo vị trí việc làm, các công việc mà hầu hết doanh nghiệp cảm thấy khó tuyển nhất là: Chuyên gia phân tích hệ thống; nhân viên thiết kế và thử nghiệm; lập trình viên; chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật.

Minh chứng điều này, TS Lê Thanh Hiếu, Trưởng khoa Tin học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết: Ở Trường ĐH Sư phạm Huế, tỷ lệ SV học CNTT ra trường có việc làm năm 2019 là 93,94%, năm 2018 là 88,89% và năm 2017 là 93,4%. “Nhu cầu nhân lực cao khi triển khai Chương trình GDPT mới, môn Tin học trở thành bắt buộc từ lớp 3. Vai trò cán bộ chuyên trách hệ thống thông tin được coi trọng, có biên chế riêng thay vì kiêm nhiệm như hiện nay ở trường phổ thông. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chính sách thu hút, đầu tư mũi nhọn CNTT”, TS Lê Thanh Hiếu cho hay.

TS Trần Văn Cường, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật CNTT, Trường ĐH Quảng Bình dẫn TopDev - trang chuyên tuyển dụng về CNTT: Nhu cầu nhân lực CNTT tăng nhanh nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt. Năm 2020, số nhân lực ngành CNTT cần ước tính khoảng 400.000 người và thiếu hụt khoảng 100.000 người. Năm 2021 dự kiến cần khoảng 500.000 nhân sự ngành CNTT và ước lượng thiếu hụt khoảng 190.000 người. Với thực tế về nhu cầu nhân lực CNTT của thị trường lao động hiện nay, sinh viên ngành CNTT ra trường không lo lắng về việc làm như những ngành nghề khác. 

Đào tạo kỹ sư CNTT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đào tạo kỹ sư CNTT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Những khuyến nghị về chính sách

PGS.TS Trần Thị Thái Hà cho rằng: Trong 10 năm tới, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tiếp tục là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 và mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749 về Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành Giáo dục đang đứng trước cả thách thức và cơ hội trong việc đồng thời mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng các yêu cầu mới.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng đào tạo nhân lực CNTT trình độ ĐH, tập trung chủ yếu vào vấn đề phát triển chương trình đào tạo cùng các tiêu chuẩn chất lượng, PGS.TS Trần Thị Thái Hà và cộng sự đưa ra một số khuyến nghị về chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT.

Trước hết, phát triển nhân lực CNTT phải là lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; do đó phải là một trong các quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, quy định trong Luật Giáo dục ĐH về chính sách khuyến khích sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp cần phải được cụ thể hóa nhằm tạo động lực và năng lực cần thiết cho hai bên đến với nhau. Trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, cần thoát khỏi mô hình truyền thống để kiến tạo mô hình cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh mới; trong đó chú trọng xây dựng và phát triển một số công viên khoa học và tổ hợp công nghiệp về CNTT.

Liên quan đến triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cần sớm ban hành chuẩn đầu ra trình độ đại học trong lĩnh vực CNTT để làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục ĐH phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực CNTT đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng theo tiếp cận năng lực.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên CNTT, PGS.TS Trần Thị Thái Hà cho rằng: Bên cạnh bảo đảm chuẩn về trình độ đào tạo của đội ngũ giảng viên cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành) và năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên CNTT trong giảng dạy theo tiếp cận năng lực.

“Để thực hiện chủ trương phát triển giáo dục ĐH theo định hướng hiện đại hóa, cần ưu tiên hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật của các khoa, trường đào tạo đại học trong lĩnh vực CNTT, bảo đảm việc đào tạo trong lĩnh vực này theo kịp bước tiến của CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - PGS.TS Trần Thị Thái Hà chia sẻ khuyến nghị cuối cùng của nhóm nghiên cứu.

Theo chia sẻ của chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển nhân lực CNTT trình độ cao thực sự trở thành lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.