Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng Nguyên năm Tân Sửu là ngày Ất Tỵ ngũ hạnh nạp âm là Hỏa tức theo dương lịch là thứ Sáu, ngày 26.2/2021. Đối với người Việt, lễ cúng rằm tháng Giêng có ý nghĩa rất quan trọng. Vậy vào ngày rằm đầu tiên của năm mới này chúng ta phải lưu ý điều gì để cả năm may mắn, tài lộc.
Thứ nhất: Xét về tiết khí thuận lợi khai trương làm ăn
Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào tiết khí Vũ Thủy, thời tiết mưa xuân, mưa ẩm cùng với nhiệt độ ấm dần lên báo hiệu sự hồi sinh của vạn vật được bắt đầu. Đặc biệt tiết khí Vũ Thủy thuộc hành Mộc, trong khi rằm tháng Giêng mang hành Hỏa, theo ngũ hành tương sinh Mộc sinh Hỏa, do đó đây được coi là ngày Hoàng Đạo, rất thuận để tiến hành nhiều hoạt động trọng đại như bắt đầu mùa vụ, khai trương làm ăn, mở mang cơ nghiệp,…
Rằm tháng Giêng năm nay có sự xuất hiện của sao Lâu, là cát tinh chủ về người và của đều hưng thịnh.
Thứ hai: Tuổi tốt xấu trong ngày rằm tháng Giêng
Vào ngày rằm tháng Giêng, những con giáp may mắn gồm có Sửu, Tỵ, Thân, Dậu. Trong đó, nhờ Nhị Hợp quý nhân phù trợ, con giáp nhận được nhiều cát lợi nhất là tuổi Thân, dự báo sẽ có nhiều vận may về đầu cơ tích trữ.
Ngược lại cần phải cận trọng hơn cả là những con giáp tuổi Dần, Mão, Mùi, Hợi. Trong đó gặp nhiều bất lợi nhất là tuổi Hợi do phạm phải xung khắc Tỵ - Hợi khiến bản mệnh gặp khó khăn về tài vận.
Thứ ba: Chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng
Vào ngày này, việc cúng thần Phật, gia tiên là vô cùng quan trọng. Chính vì thế người dân cần chuẩn bị đồ cúng lễ cho chỉn chu. Khi chuẩn bị đồ cúng lễ, gia chủ nên mua hoa tươi để dâng lên bàn thờ. Không nên dùng hoa quả giả hay hoa quả thối rữa.
Các gia đình nên lựa chọn hoa cúc vàng, hoa đồng tiền, huệ trắng để dâng bàn thờ. Nên chọn 5 loại quả có màu sắc tươi tắn, thơm ngon.
Ngày rằm tháng Giêng các gia đình có thể sắm hai lễ: lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên. Lễ cúng Phật là lễ cúng cơm chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi, nếu cần có thể có xôi, chè chay.
Lễ cúng gia tiên cũng gồm hương, hoa, đèn nến và kèm thêm trầu cau, rượu và mâm cỗ mặn hoặc chay.
Nếu làm 2 lễ thì phải để riêng. Hoa quả lễ Phật để ở ban trên, còn đồ cúng gia tiên nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.
Gia chủ không nên để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên bàn thờ hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng.
Đặc biệt, các đồ dùng để đựng các lễ cúng Phật, cúng gia tiên như bát, đĩa, đũa, thìa… cần phải sử dụng những đồ mới, hoặc đồ riêng biệt. Không nên dùng những đồ đã dùng chung sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.
Thứ tư: Lưu ý khi thắp hương
Giờ đẹp để lên hương trong ngày rằm tháng Giêng là giờ Thân (15-17h). Không phải ngẫu nhiên người ta lại chọn các số 1, 3, 5, 7, 9 để thắp hương theo quan điểm về mặt phong thủy, số lẻ tượng trưng cho may mắn (dương), còn số chẵn tượng trưng cho điềm xui (âm).
Cả bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên đều nên thắp 3 nén hương. Khi thắp hương ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn. Tuyệt đối không được mặc quần đùi áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm…
Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.
Thứ 5: Hướng xuất hành
Hướng cát trong ngày này là hướng Tây, các bạn có thể xuất hành đi chùa cầu an, cầu phúc rất tốt.
Thứ 6: Phóng sinh, làm việc thiện
Đừng quên phóng sinh và làm việc thiện trong ngày này bởi đó là 2 việc không cần phong thủy bạn cũng đắc được phước báo dài lâu.
Trên đây là 6 lưu ý quan trọng mà chuyên gia phong thủy Phùng Phương chia sẻ, các bạn cần phải biết trong ngày rằm đầu tiên của năm mới để cả năm tốt lành, hanh thông.
* Thông tin mang tính tham khảo