Radar phản pháo Mỹ tiếp tục bị tìm diệt

GD&TĐ -Phá hủy radar phản pháo Mỹ chuyển cho Ukraine tiếp tục là mục tiêu của các cuộc tấn công từ lực lượng đặc biệt Nga.

Lựu pháo M777 Ukraine tiếp nhận từ Mỹ.
Lựu pháo M777 Ukraine tiếp nhận từ Mỹ.

Theo thông báo mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/3, lực lượng tác chiến nước này tại Ukraine vừa phá hủy thêm nhiều vũ khí tối tân của Ukraine ở tỉnh Donetsk.

"Lực lượng Nga vừa phá hủy thêm một hệ thống phòng không S-300, tổ hợp Osa-AKM của Ukraine ở khu vực Yasenovoe, tỉnh Donetsk. Trong cuộc tấn công này, hệ thống radar phản pháo AN/TPQ-50 do Mỹ sản xuất tiếp tục là nạn nhận của đòn tấn công từ lực lượng của chúng tôi", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lực lượng Nga không ngừng chiến dịch săn tìm những hệ thống radar phản pháo Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Đã có ít nhất 5 hệ thống radar phản pháo gồm AN/TPQ-50, AN/TPQ-64 và AN/TPQ-36 của Ukraine đã bị phá hủy từ đầu tháng 3/2023.

Đây là những khí tài được coi là mắt thần giúp cho pháo phản lực HIMARS và lựu pháo M777 tăng cường khả năng tấn công chính xác trên chiến trường.

Đánh giá về các cuộc tấn công tìm diệt radar Ukraine của Nga, giới quân sự phương Tây cho rằng, lực lượng Moskva áp dụng chiến thuật phóng tên lửa và pháo phản lực để câu nhử các radar đó, làm chúng lộ tín hiệu và vị trí. Ngay sau đó, Nga bắn tên lửa chống bức xạ để phá hủy những mục tiêu này.

Trong nhiều cuộc tấn công, Không quân Nga phóng các tên lửa chống bức xạ tầm xa Kh-31PD từ các máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35S. Chiến thuật này được đánh giá rất hiệu quả.

Nhưng theo tờ National Interest của Mỹ, trong một số trường hợp Nga phóng đại vấn đề để gây hiệu ứng tâm lý với đối phương, bao gồm cả Ukraine lẫn những nước viện trợ vũ khí cho Ukraine. Trong nhiều cuộc tấn công, Nga thường dùng Iskander, Kalibr, Kh-55SM....

Trong đó, Iskander là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn cơ động trên đường bộ, được Nga sử dụng phổ biến để tấn công chiến thuật. Trong khi đó, Kalibr là tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm, có thể dùng để tấn công mục tiêu trên bộ hoặc trên biển.

Cũng có khả năng Nga sử dụng tên lửa Kh-55SM mang đầu đạn không có thuốc nổ để làm mồi nhử. Radar phòng không Ukraine được kích hoạt để nghênh chiến với các tên lửa đó sẽ tự bộc lộ vị trí trước các tiêm kích Su-35S trang bị tên lửa diệt radar Kh-31P.

Tên lửa Kh-31P là phiên bản tên lửa chống bức xạ được phát triển riêng để loại bỏ các radar đối phương đang trong chế độ kích hoạt, bao gồm radar kiểm soát đường bay, radar cảnh báo sớm, radar phản pháo và cả các hệ thống SAM tầm trung và tầm xa.

Hiện vẫn chưa rõ Nga đã sử dụng vũ khí nào để phá hủy AN/TPQ-50 trong cuộc tấn công hôm 16/3 bởi Kh-31P là vũ khí đắt đỏ trong khi mục tiêu của chúng được đánh giá có giá trị thấp hơn đáng kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ