Rác thải nhựa: Bài học từ Malaysia

GD&TĐ - Malaysia vừa buộc ngưng hoạt động 33 nhà máy tái chế rác thải nhựa bất hợp pháp tại thị trấn Jenjarom, thuộc bang Selangor, nơi nổi tiếng là “thủ đô của rác thải nhựa”. 

Jenjarom được xem là “thùng rác của thế giới”
Jenjarom được xem là “thùng rác của thế giới”

Tuy nhiên, giải quyết 17.000 tấn rác lưu giữ trong 33 nhà máy tại một thị trấn chỉ có 30.000 dân là điều không đơn giản. Sau khi đưa chúng về các nhà máy hợp pháp, 4.000 tấn vẫn còn nằm tại một bãi chứa lộ thiên vô chủ và thỉnh thoảng khói độc vẫn bốc lên từ đó.

Mất bò mới lo làm chuồng

“Lục lọi đống rác này, người ta thấy chúng có xuất xứ từ Nhật, Mỹ, Anh với những thương hiệu như Asda, Co-op, Fairy. Chúng tôi đang điều tra xem chủ nhân của bãi rác này là ai - Bộ trưởng Gia cư Zuraida Kamaruddin của bang Selangor nói - Hiện số rác trên đang được bán đấu giá cho các nhà máy hợp pháp nhưng chưa có người mua vì nó ô nhiễm quá nặng”.

Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học môi trường và thay đổi khí hậu cho biết, có nhiều chọn lựa cho vấn nạn này. Cách tốt nhất là gửi rác đến các nhà máy xi măng làm nguyên liệu gia nhiệt cho các lò nung, dù nó ngốn khá nhiều tiền ngân sách. “Chỉ riêng chi phí đưa rác đến nhà máy xi măng cũng đã nhiều. Nhưng chính quyền vẫn phải làm vì không thể để đống ô nhiễm này nằm mãi ở đó” - Yeo nói.

Ngoài Jenjarom, một số thị trấn khác ở Malaysia cũng có vấn đề rác thải nhựa. “Nhiều chủ đất địa phương cho thuê đất với giá bình quân 12.250 USD/tháng, cao hơn thu nhập trung bình của một gia đình, để mở các nhà máy tái chế rác thải nhựa - Ng Sze Han, Uỷ viên hội đồng bang Selangor nói - Đóng cửa nhà máy nơi này, chúng lại chạy đến nơi khác, bang khác.

Tại hai bang Johor và Negeri Sembilan đã bắt đầu xuất hiện các nhà máy tái chế rác bất hợp pháp”. Một chủ đất cho biết, chỉ quan tâm đến tiền thuê, chứ không cần biết người thuê làm gì trong đó. Han cho rằng, vấn nạn rác thải nhựa chỉ có thể giải quyết nếu các quốc gia cấm sản xuất và sử dụng đồ nhựa. “Nhưng điều này rất khó xảy ra, đặc biệt là tại những nước còn nghèo” - ông nói.

Bà Kamaruddin xem việc chính phủ Malaysia nhận thức được sự nguy hiểm của rác thải nhựa so với những gì nó mang lại cho nền kinh tế là điều đáng mừng. Bà cũng muốn áp dụng nghiêm ngặt những tiêu chuẩn chặt chẽ về nhập khẩu nhựa ghi trong qui định Approval Permit (AP). Chỉ những công ty nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này mới được hoạt động.

Một báo cáo của cơ quan môi trường LHQ cho thấy, có sự gian dối trong việc nhập rác, khi đánh tráo rác bẩn thành nhựa sạch và câu kết với hải quan nơi đến. “Vì vậy, việc kiểm tra nhựa nhập tại nơi xuất phát là rất quan trọng để tránh gian lận và bị trả về. Nếu không, chỉ còn là vấn đề thời gian, các “thị trấn rác” sẽ thi nhau xuất hiện tại Malaysia và các quốc gia khác” - Kamaruddin nói.

Một nhà máy tái chế rác gây ô nhiễm trong vùng

Một nhà máy tái chế rác gây ô nhiễm trong vùng

Điểm đến mới của rác thải

Năm 2017, khi Trung Quốc quyết định cấm rác thải nhựa nhập từ nước ngoài thì cũng trong năm đó, Jenjarom tiếp nhận hàng trăm ngàn tấn rác thải nhựa từ các nước giàu và có ý thức về môi trường như Anh, Mỹ, Nhật Bản.

Nhiều nhà hoạt động môi trường xem quyết định của Trung Quốc sau khi nước này đã nhập về hơn 7 triệu tấn rác thải nhựa, chủ yếu là máy móc thiết bị điện tử bỏ đi, là “chiến thắng” cho chiến dịch chống rác thải nhựa.

Loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa mất đến cả trăm năm, nếu không có biện pháp đúng vì nhựa tồn tại rất lâu trong môi trường. Đây chính là yếu tố khiến các nước công nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu rác thải nhựa sang các quốc gia “mất cảnh giác”. Malaysia, Philippines và một số nước châu Á khác là chọn lựa tốt nhất vì ngày càng có nhiều quốc gia “nói không” với rác thải nhựa nhập khẩu.

Jenjarom có lợi thế về “chứa rác nhập” vì nó nằm gần cảng Klang, cảng lớn nhất Malaysia và là nơi tập kết phần lớn rác thải nhựa từ nước ngoài. Vị trí lý tưởng này đã biến thị trấn thành “cái nôi chứa rác thải”. Theo ước tính, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2018, có đến 754.000 ngàn tấn rác thải nhựa đã được nhập vào Malaysia.

Không ý thức được tác hại của rác thải nhựa, Hội đồng thị trấn Jenjarom xem kỹ nghệ tái chế rác thải nhựa là “cú hích” cho nền kinh tế địa phương. Nhận thức sai trái “phát triển với bất cứ giá nào”, kể cả hy sinh môi trường đã bật đèn xanh cho sự ra đời của hàng loạt nhà máy tái chế rác thải nhựa để làm bao bì, thùng nhựa, đồ chơi, đồ gia dụng và các thứ khác.

Ngoài các nhà máy hợp pháp được quản lý về phế phẩm, còn có các nhà máy bất hợp pháp không quan tâm đến ô nhiễm. Kỹ nghệ tái chế rác thải nhựa đã mang về cho Malaysia hơn 734 triệu USD doanh thu mỗi năm khiến nhiều người bị mờ mắt. Họ quên cả việc trả giá cho thế hệ mai sau về sức khoẻ người dân.

Kết quả là có 33 nhà máy bất hợp pháp qui mô lớn hoạt động tại Jenjarom. Các nhà máy này cho ra những viên nhựa nguyên liệu nhỏ dùng để chế tạo các công cụ bằng nhựa khác. Tệ hại hơn nữa là số rác thải nhựa không tái chế hết hay phế phẩm của quá trình tái chế, thay vì được đưa đến các trung tâm xử lý khác như các nhà máy hợp pháp, tại các nhà máy bất hợp pháp người ta đốt, chôn hay đổ xuống cống rãnh. Hậu quả là vô cùng lớn

Ảnh hưởng sức khoẻ của người dân

Không lâu sau khi cơn sốt nhà máy tái chế rác thải nhựa sinh sôi, dân chúng bắt đầu cảm thấy những triệu chứng khác lạ đối với lá phổi, thần kinh của họ.

“Chúng tôi đang bị đầu độc và sẽ chết dần mòn vì bệnh tật do các khí độc phát tán từ đốt rác thải nhựa. Từ việc ngửi thấy một mùi khó chịu đến ho khan là giai đoạn ngắn. Mùi càng lúc càng nặng hơn. Khi phát hiện ra nguồn gốc là từ các nhà máy tái chế rác thải nhựa mọc lên bất hợp pháp, chúng tôi rất tức giận với sự tắc trách của chính quyền và việc chạy theo lợi nhuận của những kẻ tham lam bất chấp hậu quả gây ra cho người khác” - cư dân Daniel Tay nói.

Một nhà máy tái chế bị bỏ hoang

Một nhà máy tái chế bị bỏ hoang

Bắt đầu từ mùa Hè năm ngoái, mỗi đêm sau khi đồng hồ điểm đúng 12 tiếng, Tay biết chính xác điều gì sắp xảy ra. Anh đóng chặt những cửa ra vào, khằn kín cửa sổ và chờ đợi những gì sắp đến; không phải hữu hình mà là vô hình! Bất chấp mọi biện pháp tự vệ và “giảm thiểu tối đa thiệt hại”, chỉ một lát sau căn phòng anh “cố thủ” tràn ngập mùi giống cao su đang cháy.

Một cư dân khác tên Ngoo Kwi Hong nói: “Đốt là chọn lựa thường được dùng ở các nhà máy tái chế bất hợp pháp và khói độc phát sinh từ hoạt động này đã đi vào lá phổi, vào đường tiêu hoá. Ban đêm, khi các nhà máy bất hợp pháp vây quanh ngôi nhà tôi ở từ mọi hướng đồng loạt đốt phế phẩm, tôi không thể ngủ được. Hệ quả là sáng hôm sau tôi đi vật vờ như xác sống vì quá mệt. Những người sống gần các nhà máy tái chế rác thải nhựa như tôi bị ảnh hưởng nặng nhất”.

Bà Belle Tan cho biết, một nhà máy tái chế lậu nằm cách nhà bà khoảng 1 km và trong gia đình bà bị ảnh hưởng nặng nề nhất là đứa con trai 11 tuổi. “Thằng bé bị những vết đỏ như phát ban trên bụng, tứ chi và cổ. Da nó dễ bị tróc vảy và đau khi chạm vào. Tôi rất tức giận khi thấy sức khoẻ của nó và gia đình càng lúc càng đi xuống”. Một chuyên viên y tế tin rằng hệ hô hấp và da của con trai bà đã bị tác hại từ khói đốt nhựa hít vào phổi hoặc bám trên da.

“Nhưng nguy hiểm hơn là carcinogenic, chất gây ung thư có trong khói đốt nhựa - GS Tong Yen Wah giảng dạy tại Khoa hóa chất và công nghệ sinh học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cảnh báo - Nếu bạn hít phải số lượng quá giới hạn trong một thời gian ngắn thì chỉ khó thở. Nhưng nếu hít trong thời gian dài, rất nhiều bệnh tật sẽ xảy ra, đặc biệt là nguy cơ ung thư tăng mạnh”.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân trong thị trấn không quan tâm đến mùi đốt nhựa vào ban đêm nếu họ ở hơi xa nhà máy. Một số “hài lòng” với thu nhập do rác thải nhựa mang lại, từ làm công nhân đến các dịch vụ ăn theo. “Đối với những người nghèo, sức khoẻ… tương lai trở thành thứ quá xa xỉ! Nhiều người không có thời gian suy nghĩ về môi trường mà phải lo miếng ăn trước đã” - Tay nói.

Theo The Strait Times và Philippines Star

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Nỗi sợ của người thầy!

GD&TĐ - Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt”...

Nhiều năm dạy học ở miền núi, cô Hải luôn tận tâm với học sinh. Ảnh: NVCC

'Bắc nhịp cầu' giúp trò miền núi

GD&TĐ - Dạy học ở địa bàn vùng sâu, xa nhiều năm, nữ nhà giáo ở Quảng Trị luôn trăn trở khi nhận thấy học sinh thiếu thốn nhiều mặt...

Trà từ lõi ngô của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân.

Sinh viên chế biến trà từ lõi ngô

GD&TĐ - Trà từ lõi ngô thơm ngon, giàu chất oxy hóa, vị ngọt thanh, không sinh năng lượng, tốt cho người tiểu đường, người ăn kiêng là sản phẩm của nhóm SV ĐH Duy Tân.

Arsenal tổn thất lớn

Arsenal tổn thất lớn

GD&TĐ - Bukayo Saka sẽ phải ngồi ngoài "nhiều tuần" vì chấn thương nghiêm trọng trong trận Arsenal thắng Crystal Palace 5-1 ở vòng 17 Ngoại hạng Anh.