Rắc rối quy trình xử lý người bị ngáo đá

Rắc rối quy trình xử lý người bị ngáo đá

Ngày 2/3 vừa qua, tại ngã tư Phạm Văn Đồng - Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức, TPHCM), một nam thanh niên ngáo đá cầm rìu lớn tiếng la hét, đe dọa chém người đi đường. Sau đó, người này chạy vào một cửa hàng và tiếp tục dọa chém khiến nhiều người hoảng sợ.

Người dân đã báo công an khống chế, xử lý và cơ quan chức năng đã xác định nam thanh niên dương tính với ma túy, ngáo đá.

Gây án mạng do ngáo đá

Nghiêm trọng hơn, ngày 19/2, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã phải vất vả khống chế đối tượng Dương Quang Bình (43 tuổi) gây án mạng trong tình trạng bị ngáo đá. Người này chính là anh vợ của NSƯT Vũ Mạnh Dũng, Phó Trưởng đoàn Ca kịch, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam.

Theo đó, Bình đã tự đốt chiếc xe máy của mình trước cửa nhà tại ngõ 609 đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Sau đó Bình leo lên mái tôn, trèo sang nhà em gái bên cạnh dùng dao uy hiếp sáu người trong gia đình này, trong đó có ba cháu nhỏ, rồi đâm chết NSƯT Vũ Mạnh Dũng. Theo công an, Bình nghiện ma túy đã nhiều năm nay, thời điểm gây án Bình đang bị ngáo đá. Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt khẩn cấp và ra quyết định khởi tố Bình để điều tra về hành vi giết người.

Trước đó, rất nhiều vụ án mạng hoặc uy hiếp người đi đường khác đã xảy ra xuất phát từ việc người gây án ở trong tình trạng bị ngáo đá.

Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM Nguyễn Ngọc Quang cho biết ngáo đá là một tình trạng rối loạn tâm thần do sử dụng các chất kích thích như ma túy. Người ngáo đá sẽ bị hoang tưởng, ảo giác, tin vào những điều do bản thân mình nghĩ ra. Họ thường nghĩ mình là bị hại, bị theo dõi, bị đầu độc... dẫn đến việc điều khiển hành vi lệch chuẩn, gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và người xung quanh.

Ông Quang kể trường hợp một thanh niên sau khi sử dụng ma túy bị ảo giác, cho rằng mình bị người khác theo dõi nên đã đến cơ quan công an trình báo và xin ở lại trụ sở để trốn. Công an không đồng ý, người này dùng một con dao đe dọa người khác nên bị công an đưa về trụ sở. Sau khi tỉnh táo, thanh niên này khai luôn có cảm giác lo sợ nên muốn vào trụ sở công an trú ẩn cho an toàn.

Khó trong việc quản lý

Hiện nay, việc xử lý người ngáo đá rất phức tạp. Theo quy định của BLHS 2015 thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trước đây. Đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính với hình phạt bằng tiền. Vì thế, việc xử lý, quản chế người bị ngáo đá chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính, có vi phạm lần thứ hai, thứ ba… thì cũng chỉ phạt ở mức độ tái phạm.

Ngoài ra, chỉ khi xác định được tình trạng nghiện thì mới có thể áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi những đối tượng này sống lang thang, sử dụng ma túy ở một nơi nhưng bị bắt ở một nơi khác nên việc áp dụng thủ tục đưa đi cai nghiện là rất nan giải.

Bà Võ Thị Kéo, Chủ tịch Hội Luật gia quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết để đưa một người đi cai nghiện thì cơ quan chức năng phải xác định vi phạm hành chính của họ, tức là phải giám định trong người đối tượng dương tính với chất ma túy. Đồng thời phải có hai điều kiện kèm theo là tái phạm và không có nơi cư trú ổn định thì mới đủ điều kiện đưa đi cai nghiện.

Mới đây, tại hội nghị phối hợp liên ngành công tác giám định pháp y tâm thần khu vực TPHCM do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Công an TP Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng than khó trong việc xử lý. Cụ thể, khi phát hiện đối tượng ngáo đá có hành vi gây nguy hiểm cho người khác thì cơ quan chức năng sẽ khống chế để đưa đi giám định.

Sau đó, các cơ quan phải phối hợp để đưa đối tượng đến bệnh viện để giải cơn ngáo. Sau khi đối tượng tỉnh táo, nếu tinh thần ổn định thì được trả về nơi cư trú. Nếu tại đây, người nhà không tiếp nhận đối tượng thì cơ quan chức năng phải giao cho chính quyền địa phương, nếu chính quyền từ chối thì không ai quản lý.

Cơ quan điều tra cũng than

Việc xử lý người ngáo đá khi có dấu hiệu phạm tội của CQĐT cũng gặp vướng mắc. Tại hội nghị phối hợp liên ngành công tác giám định pháp y tâm thần nói trên, đại diện Công an huyện Châu Thành (Long An) là ông Nguyễn Văn Châu cho biết vướng ở vấn đề giám định pháp y. Ban đầu CQĐT phải xác định đối tượng ngáo đá đó có năng lực để chịu trách nhiệm hình sự hay không, xem xét cả nhân chứng, bị hại về khả năng nhận thức để đánh giá lời khai. Sau đó, CQĐT phải dựa trên kết luận giám định để đặt ra những câu hỏi liên quan đến vụ án, trong đó có nhiều chi tiết liên quan đến chuyên môn ngành y mà CQĐT không nắm rõ.

Theo luật sư (LS) Trần Quốc Tuấn, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai, thì người bị loạn thần do sử dụng ma túy chỉ là một tình trạng bệnh lý xuất hiện khi sử dụng các chất kích thích. Khi đối tượng này có dấu hiệu phạm tội thì việc chứng minh được các yếu tố cấu thành tội phạm cũng tương tự như người bình thường. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay luật không quy định việc CQĐT được tạm giữ người để theo dõi việc cắt cơn nghiện. Tuy nhiên, việc thực hiện ngay việc xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện lại phải chờ sự phối hợp các cơ quan, mất khá nhiều thời gian.

Theo một cán bộ công an, vướng mắc khác nằm ở các khoản kinh phí đưa đối tượng ngáo đá đi bệnh viện giải cơn, vì CQĐT không có chi phí để thực hiện việc này. Lúc này, cơ quan công an phải tự bỏ tiền túi ra để giải cơn cho đối tượng.

Cách nào để quản chặt hơn?

Theo Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM Nguyễn Ngọc Quang, việc xử lý những đối tượng ngáo đá cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để đạt được hiệu quả cao nhất. Bởi trung tâm giám định pháp y chỉ thực hiện chức năng giám định, sau khi giám định xong sẽ trả lại cho CQĐT, tòa án, VKS để thực hiện các biện pháp tiếp theo.

Còn LS Đặng Đức Trí, Đoàn LS TPHCM, đề xuất: Khi phát hiện, xét nghiệm đối tượng dương tính với ma túy, cơ quan chức năng có thể ra quyết định hành chính đưa đi cai nghiện ngay, không cần xét đến các yếu tố về nơi cư trú. Cạnh đó, mức phạt hành chính hiện tại đối với người sử dụng ma túy 500.000-1 triệu đồng là quá nhẹ, không đủ răn đe, cần phải xem xét tăng lên gấp hai hoặc gấp ba lần.

Người nghiện dưới 18 tuổi: Chưa quy định chặt

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đối với người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi đưa vào các cơ sở cai nghiện thì không được xem xét là một biện pháp hành chính.

TheoTiếng chuông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ