Đi rút tiền bị phạt 1 triệu
Cụ thể, trường hợp anh Vũ Minh Nhật phản ánh lúc 15h ngày 10/7, anh đi từ nhà (đường số 14, P.3, Q.Bình Thạnh, TPHCM) đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long (P.7, Q.Phú Nhuận) để rút tiền đi mua thực phẩm, thì bị cán bộ chốt kiểm dịch Covid-19 tại giao lộ Phan Xích Long - Hoa Sứ yêu cầu dừng xe. Anh đã giải thích mình đi rút tiền mua thực phẩm nhưng vẫn bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng.
Sau đó, trả lời trên truyền thông, bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng - Chủ tịch UBND P.7 (Q.Phú Nhuận) - cho rằng lúc anh Nhật làm việc với tổ công tác thì không nêu được lý do ra đường, vì vậy phường phạt 1 triệu đồng.
Sau khi đóng phạt, anh đi về rồi quay lại cùng vài người nhà, yêu cầu tổ công tác giải đáp thắc mắc về lỗi của Nhật. Lúc đó người nhà anh Nhật có quay clip lại rồi đăng lên mạng. Thông qua clip, phường biết được anh Nhật đi rút tiền để qua siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu mua thức ăn.
Theo bà Hải Đăng, hiện nay các siêu thị đều cho phép thanh toán qua thẻ ngân hàng không cần phải đi rút tiền mặt. Trong khi ngay sau lưng chỗ ở của anh Nhật cũng có cửa hàng Bách Hóa Xanh, cho phép thanh toán qua thẻ.
Bà Hải Đăng cho rằng anh Nhật hoàn toàn có thể mua lương thực, thực phẩm tại địa bàn P.3, Q.Bình Thạnh. Còn chốt anh Nhật gặp là chốt ngăn với P.7, Q.Phú Nhuận và P.3, Q.Bình Thạnh.
"Căn cứ công văn 2279 của UBND TPHCM thì lý do người này đưa ra là từ P.3, Q.Bình Thạnh đi rút tiền và mua thực phẩm ở P.7, QPhú Nhuận là không chính đáng, không thực tế, thiết yếu…" - bà Hải Đăng nói trên TTO.
Phạt có hợp lý?
Về giá trị pháp lý của công văn viện dẫn, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8/7/2021 của UBND TPHCM về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết là: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
“Vậy vấn đề cần bàn thêm là Dịch vụ thiết yếu khác là gì? Thực tế, có rút được tiền thì mới có thể thực hiện việc mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa. Còn việc lựa chọn phương thức thanh toán tiền mặt hay sử dụng thẻ ngân hàng là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, không thể lý luận theo kiểu như bà Chủ tịch UBND P.7 (Q.Phú Nhuận) được” - TS Bùi Kim Hiếu nêu quan điểm.
Liên quan việc xử phạt, TS Bùi Kim Hiếu cho rằng theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi Phạm hành chính năm 2012 quy định về Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”. Theo đó, cách lập luận của bà Hải Đăng - Chủ tịch UBND P.7 (Q.Phú Nhuận) là chưa thuyết phục trong việc chứng minh vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành năm 2012 quy định: Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Đồng thời, TS Bùi Kim Hiếu cũng cho rằng, khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính , cụ thể: “Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
Căn cứ điều 56 và 69 Luật xử lý vi phạm hành chính, khi cá nhân, tổ chức nộp phạt tại chỗ đối với hành vi vi phạm tuy khi xử phạt không có biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo khoản 2 điều 69 luật xử lý vi phạm hành chính, “Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân; tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt”.
Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9//2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: (a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Mức phạt này có lập biên bản.
Theo báo chí phản ảnh: "Anh Nhật có giải thích là anh hết tiền và nhà hết đồ ăn, anh cũng đang thất nghiệp, anh chỉ đi rút tiền để mua thực phẩm…". Anh Nhật cũng cho biết sau khi bị lập biên bản, anh đi bộ tới ATM rút 2 triệu (trong thẻ chỉ còn hơn 2 triệu) đóng phạt tại chốt rồi đi về mà không nhận được biên lai phạt. Ở điểm này phải có quyết định xử phạt chứ không thể thu tiền tại chỗ mà không có quyết định được.
Với những căn cứ trên thì người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân; tổ chức nộp tiền phạt.
“Từ vụ việc cũng cần nhìn nhận thêm trong tình huống này cho hợp tình hợp lý, cơ quan chức năng chỉ cần nhắc nhở, phân tích việc cần thiết nên ở nhà theo Chỉ thị 16 thì sự việc sẽ tốt đẹp, ý nghĩ hơn trong việc tuyên truyền ở nhà chống dịch. Còn những vụ việc nào rõ ràng không thiết yếu như đi từ quận này sang quận khác (phải trừ trường hợp khoảng cách nữa, mặc dù khác quận nhưng cách vài bước chân như trường hợp trên) để mua thực phẩm hoặc chở bạn gái đi dạo như cơ quan đã xử phạt trước đó thì rõ ràng và không phải tranh cãi” - TS Bùi Kim Hiếu mở rộng vấn đề.