15 ngày thực hiện Chỉ thị 16: TP Hồ Chí Minh đã vượt qua khó khăn ban đầu

GD&TĐ - Chiều 15/7, TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình ghi nhận những nỗ lực và kết quả bước đầu TPHCM đã đạt trong 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16. - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình ghi nhận những nỗ lực và kết quả bước đầu TPHCM đã đạt trong 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16. - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.

Báo cáo sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, việc kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn Thành phố cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.

Việc phát hiện sớm các ca dương tính có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác điều trị, cũng như khoanh vùng, dập dịch.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng phải nhìn thẳng vào sự thật để rút kinh nghiệm và có phương án tốt hơn cho các công việc trong 7 ngày sắp tới.

Đó là tập trung xét nghiệm tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19. Phân tích dữ liệu đánh giá khả năng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung; không hình thành các khu cách ly ở các quận huyện nếu không đảm bảo các điều kiện vệ sinh như phòng tắm, nước sạch.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhắc nhở người dân ở nhà, không để người dân ở khu phong toả vi phạm giãn cách, có thể lắp camera theo dõi, không để phát sinh tình trạng lây chéo trong nội khu. Các quận huyện quan tâm chăm lo cho các tổ kiểm tra tại các khu phong toả, giảm thiểu trường hợp phơi nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ; tập trung tập trung nguồn lực điều trị cho các ca F0 nặng, hạn chế tối đa ca tử vong. Rút ngắn thời gian chờ đợi di chuyển F0 đang ở bệnh viện tuyến huyện có trở nặng lên tuyến trên. Thiết lập đường dây nóng có thể tiếp nhận thông tin trường hợp F0 trở nặng để kịp thời điều phối người bệnh về bệnh viện tuyến trên.

Về triển khai hỗ trợ người lao động, người dân bị  ảnh hưởng, mục tiêu xuyên suốt là không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quận huyện tập trung hỗ trợ, phản ứng nhanh, thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. Không để xảy ra sự phiền hà về thái độ trong quá trình giải quyết chính sách hỗ trợ cho người dân.

Ông Phong đưa ra mục tiêu cho các quận, huyện đến 23/7giải ngân trên 95% kế hoạch đề ra.

Ông Phong lưu ý các quận huyện, TP Thủ Đức hiểu rõ công văn 2337 ngày 13/7 của Thành phố về việc chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động khi đảm bảo một trong hai phương châm: “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường - hai địa điểm”.

Quy định ba tại chỗ áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất, còn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục vụ hàng hoá thiết yếu, hoạt động ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận chuyển, xuất nhập khẩu, khám chữa bệnh vẫn hoạt động theo công văn 2279 ngày 8/7/2021.

Về tổ chức tiêm vaccine đợt 5, Thành phố rút kinh nghiệm và giao toàn quyền điều phối cho quận, huyện, TP thủ Đức. Chủ tịch Thành phố đề nghị trưởng ban chỉ đạo các quận, huyện nhanh chóng hình thành các tổ tiêm vaccine của địa phương mình, vận hành cơ chế tương tự như tổ công tác xét nghiệm.

Thành phố cũng đánh giá lại năng lực con người khi triển khai tiêm vaccine ở từng quận huyện, không để ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, hai lực lượng tiêm vaccine và phòng chống dịch phải song hành. Sở Y tế tăng cường các đội hình hỗ trợ tiêm vaccine cho các quận, huyện, phấn đấu hoàn thành trong 2-3 tuần.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, còn 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 với mục tiêu cao nhất tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế hoàn toàn dịch bệnh, đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới. Quan trọng nhất bây giờ là sự đồng lòng, chung sức. Ông Phong kêu gọi tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trước Đảng, nhân dân Thành phố. “Thành phố hơn bao giờ hết đang rất cần các đồng chí. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông Phong khẳng định.

Nói về những ngày vừa qua, Thành phố triển khai các biện pháp theo Chỉ thị 16, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ rất xót xa khi nghe nhiều nơi xác định đường lây nhiễm dịch của các tỉnh xuất phát từ TPHCM. Do vậy, Thành phố đang tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, kiềm chế, kéo giảm, khống chế, từng bước kiểm soát dịch bệnh, coi đó là trách nhiệm, thử thách rất lớn của TPHCM.

Bí thư Thành uỷ Thành phố cũng cho rằng, công tác cách ly điều trị những ngày gần đây là sức ép chưa từng có với hệ thống y tế, hệ thống chính trị. Khoảng 30.000 người thực hiện cách ly tập trung là con số rất lớn, việc bố trí nơi ở, ăn nghỉ đảm bảo điều kiện sinh hoạt, thăm khám sức khoẻ, chăm sóc F1 và F0 là nỗ lực lớn, cơ bản Thành phố đã vượt qua được chặng đường khó khăn ban đầu.

Những ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ông Nên nhận định, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn khiến lực lượng ở các tổ công tác trên các nẻo đường lúng túng khi xử lý, ứng xử không kịp thời. Mục đích của các biện pháp là tránh lây nhiễm nhưng khi thực hiện kiểm soát lại gây ùn tắc, gây ra nguy cơ lây nhiễm lớn hơn, phải chọn phương án ít xấu hơn.

Cho rằng Thành phố đã tận dụng được 7 ngày thời gian vàng để làm được một số việc, Bí thư Thành phố nhấn mạnh lúc này cần tiếp tục tăng tốc, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra, phải đạt được kịch bản thứ nhất sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16 là khống chế thành công dịch bệnh.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình ghi nhận những nỗ lực và kết quả bước đầu TPHCM đã đạt trong 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Tuy nhiên, còn một số khiếm khuyết như hiện tượng tập trung đông người tại các chốt kiểm soát.

Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá, hiểu đúng bản chất số ca mắc những ngày qua, việc gia tăng số ca nhiễm do kết quả xét nghiệm dồn lại hay số ca thực tế. “Trong một tuần tới nếu ca mắc còn tăng, bệnh nặng tăng, tử vong tăng thì chúng ta khó lòng chấm dứt việc áp dụng Chỉ thị 16”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng có thể phải tính phương án kéo dài thêm thời gian để xử lý dứt điểm nếu chưa kiểm soát được số ca nhiễm mới. Ông lưu ý Thành phố tăng cường năng lực cho các bệnh viện quận, huyện để tiếp nhận điều trị F0 triệu chứng nhẹ.

Có thể tổ chức điều trị tập trung F0 ở tuyến trên nhưng phải đảm bảo điều kiện chăm sóc không để người bệnh hoang mang. Tận dụng các nguồn lực xã hội, tại nhà hoặc tại các khách sạn, những nơi có cơ sở vật chất tốt.

Về phương án “ba tại chỗ” như hiện nay là tốt nhưng thực tế tại các doanh nghiệp có đáp ứng yêu cầu hay không, cần phải có giám sát. Do vậy những ngày tới khi triển khai tiêm vaccine, ngoài các nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21, Phó Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp lớn tại các khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao phải sắp xếp ưu tiên để bảo vệ lực lượng sản xuất.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: