- Dù đã có đủ quy định, nhưng thời gian qua, vẫn xảy ra tai nạn thương tích cho HS do công trình trường học không bảo đảm chất lượng. Vậy vấn đề cần xem xét lại ở đây là gì?
- Khi các công trình trường học xuống cấp, hư hại, hoặc mới xây dựng nhưng không bảo đảm chất lượng… nhà trường đều nắm được. Nếu trường đã có báo cáo thì các cấp chính quyền địa phương cần kiểm tra, theo dõi và xử lý. Với các trường hợp chất lượng công trình có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên, địa phương cần tập trung giải quyết sớm, nhằm tránh xảy ra sự việc đáng tiếc rồi mới kiểm tra, rà soát.
Trong vài năm qua, ở một số địa phương có tình trạng sập lan can, đổ tường rào, hỏng hóc… các công trình trong trường học; khi xảy ra thiên tai, mưa lũ thêm tác động gây ảnh hưởng đến công trình.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do các công trình trường học đã xây dựng quá lâu, bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, hoặc thậm chí mới xây vài năm nhưng chất lượng không bảo đảm. Trong khi đó, công tác bảo trì, bảo dưỡng theo quy định đối với các công trình trường học chưa thực sự được các địa phương quan tâm đúng mức.
- Bộ GD&ĐT đã có những động thái gì để nhắc nhở các địa phương về thực trạng trên, thưa ông?
- Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 64, yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trường học và lên kế hoạch cải tạo, sửa chữa các công trình. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương tuyệt đối không đưa công trình đã hết niên hạn sử dụng, không đáp ứng chất lượng nhưng chưa được kiểm tra, đánh giá, cải tạo, sửa chữa vào sử dụng để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.
Gần nhất, ngày 8/9/2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành văn bản nhắc các địa phương về việc rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt trong mùa mưa bão. Bộ cũng yêu cầu địa phương lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa, bảo đảm an toàn các công trình trường, lớp học.
Việc nhắc nhở về kiểm tra, rà soát thực tế công trình trường học, hằng năm Bộ đều yêu cầu địa phương thực hiện. Các địa phương đã làm đến đâu? Chắc hẳn, những sự vụ gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng của học sinh như vừa qua cho thấy việc kiểm tra, rà soát chưa đầy đủ, chất lượng công trình trường, lớp học nhiều nơi chưa thực sự an toàn.
Thời gian tới, bên cạnh việc nhắc nhở các địa phương thực hiện trách nhiệm theo quy định, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học.
- Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định chi tiết và yêu cầu cụ thể đối với từng hạng mục công trình trường học. Theo ông, các địa phương cần chú trọng thêm khía cạnh gì?
- Trách nhiệm của sở GD&ĐT là: Tham mưu UBND cấp tỉnh quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học; lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng trường đạt chuẩn; lập kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho các trường thuộc phạm vi quản lý. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; báo cáo kết quả với UBND cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT; Xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD-ĐT cho các cơ sở giáo dục, trình cấp có thẩm quyền quyết định; Tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng được công khai trên cổng thông tin điện tử của các sở GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quan trọng nhất theo tôi, hằng năm địa phương cần nghiêm chỉnh rà soát, kiểm tra thực trạng các công trình trường, lớp học. Việc kiểm tra này phải được thực hiện với sự phối hợp của cơ quan chuyên môn ở địa phương (xây dựng, tài nguyên và môi trường, sở GD&ĐT…).
- Mỗi địa phương có đặc thù về địa hình, khí hậu, ông có khuyến cáo gì về các nội dung địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát công trình trường học?
- Không phải khi xảy ra sự việc đau lòng ngay đầu năm học mới, các địa phương mới giật mình xem lại việc kiểm tra, rà soát công trình trường học. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quy định, yêu cầu rõ ràng, nên nếu địa phương nào chưa thực hiện tốt cần khẩn trương kiểm tra, rà soát, có báo cáo đầy đủ từ cấp trường trở lên đến các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương, nhất là về chất lượng công trình trường, lớp học có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên.
Thêm nữa, với các địa phương thường xảy ra thiên tai cần đặc biệt quan tâm, không chỉ về chất lượng công trình trường học, mà còn cả an toàn của học sinh trên đường đến trường và khu vực xung quanh trường học. Như việc học sinh trong mùa mưa lũ phải đi học qua sông, suối, những điểm dễ xảy ra sạt lở… cần có những cảnh báo, nhắc nhở. Các trường học nằm trong khu vực hay bị sạt lở phải hết sức lưu ý, cũng như kiểm tra thường xuyên tình trạng công trình trường, lớp học. Ở những địa phương có mưa lũ nhiều có thể gây yếu nền móng công trình, tường lớp học bị ẩm, hư hại… nhà trường phải kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở học sinh tránh xa những nơi có nguy cơ tai nạn.
- Xin cảm ơn ông!