Quản lý, sử dụng hiệu quả công trình trường học

GD&TĐ - Trái ngược với thực trạng xảy ra ở một số nơi khi để các hạng mục công trình trường học không phát huy được công năng, hiệu quả khi đưa vào sử dụng, nhất là các công trình vệ sinh, nhiều trường học ở địa bàn vùng khó, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên lại có nhiều cách làm hay trong việc tổ chức quản lý, khai thác sử dụng các công trình một cách hiệu quả. Những nỗ lực của các trường học đã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của học sinh, giáo viên, mà còn góp phần tạo dựng môi trường thân thiện, cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong trường học.

Ở ngôi trường nào có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thì mọi hoạt động đi vào nền nếp, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao
Ở ngôi trường nào có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thì mọi hoạt động đi vào nền nếp, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao

Phát huy vai trò người đứng đầu

Là một trường nằm ở địa bàn miền núi, Trường PTDTBT xã Trà Don (xã Trà Don, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hội tụ đủ những khó khăn của một trường học vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, so với các ngôi trường khác trên địa bàn, Trường PTDTBT xã Trà Don tạo dựng một không gian sinh hoạt, học tập theo mô hình “trường học xanh” cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Đi thăm từng lớp học, nơi ăn, chốn ở của giáo viên, học sinh bán trú, chúng tôi thực sự thấy được sự nỗ lực của nhà trường trong việc tạo dựng môi trường, cảnh quan sư phạm. Các công trình phụ trợ nhà ăn, công trình nhà vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Cùng với đó là tinh thần, ý thức, trách nhiệm cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh. Điều đó như đã minh chứng cho những kết quả tích cực mà nhà trường đạt được trong thời gian qua.

Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường PTDTBT xã Trà Don (huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), tâm sự: “Đối với một ngôi trường hoạt động theo mô hình bán trú, bên cạnh điều kiện học tập, thì điều kiện ăn ở, sinh hoạt của dành cho học sinh, giáo viên phải được đặt lên hàng đầu. Cho nên, công tác bảo quản, giữ gìn vệ sinh trường lớp, nhất là đối với các công trình vệ sinh dành cho học sinh luôn được thực hiện thường xuyên hằng ngày.

Nhiệm vụ này được phân công giáo viên, nhân viên, các lớp học với kế hoạch một cách cụ thể. Ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra giám sát, đánh giá công tác thực hiện và xem đây là một trong những nội dung phong trào thi đua của các lớp học”.

Để trường học thực sự xanh - sạch - đẹp

Đóng chân trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), mọi sinh hoạt của giáo viên, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy) gần như phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt và tổ chức công tác bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, linh hoạt thích ứng, đối phó với điều kiện khó khăn thiếu nước sạch, nhà trường đã duy trì, ổn định được hoạt động bán trú cho học sinh và phục vụ cho sinh hoạt ăn ở, vệ sinh hàng ngày cho giáo viên, học sinh.

Nhiều hạng mục công trình trường học bỏ hoang, xuống cấp nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng

Nhiều hạng mục công trình trường học bỏ hoang, xuống cấp nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng

Đối với các trường học vùng Tây Nguyên, nỗi lo lớn nhất vào mỗi mùa khô hạn, nắng nóng là thiếu nguồn nước sạch sử dụng, nhất là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt vệ sinh cá nhân.

Thiếu nguồn nước khiến các công trình vệ sinh không thể sử dụng, hoặc sử dụng nhưng công tác vệ sinh không được đảm bảo là tình trạng phổ biến xảy ra tại nhiều địa phương, trường học. Tuy nhiên, cũng không ít trường học đã có những cách làm hay để duy trì, chống chọi với nắng hạn, tình trạng thiếu nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, nhất là công tác vệ sinh trường học.

Đến huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), chúng tôi không chỉ ấn tượng với không gian đầy màu xanh của ngôi trường TH Ia Nhin (xã Ia Nhin), mà còn bất ngờ với ý thức gìn giữ vệ sinh của con em học sinh. Mặc dù nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhà trường hết sức hạn chế nhưng vẫn được nhà trường duy trì, dự trữ đảm bảo xuyên suốt trong cả năm học, kể cả vào đỉnh điểm của mùa khô hạn ở Tây Nguyên.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc tạo dựng môi trường học tập thân thiện, xây dựng cảnh quan trường học xanh -sạch - đẹp, cô Hoàng Thị Thu – Hiệu trưởng Trường TH Ia Nhin bày tỏ: Dù ở trên cương vị nào, là giáo viên, hay là người cán bộ quản lý, người giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của một cơ sở trường học, nếu người đó luôn xem ngôi trường như là ngôi nhà thứ hai của mình thì mọi việc làm, chỉ đạo, điều hành sẽ xuất phát vì quyền lợi, lợi ích của con em học sinh, vì sự phát triển chung của toàn ngành”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ