Ra đề thi vào lớp 10 cần định hướng chung

GD&TĐ - Ra đề thi vào lớp 10 lâu nay do địa phương quyết định. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có định hướng chung...

Thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Ảnh: Vân Anh
Thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Ảnh: Vân Anh

Việc định hướng chung để các tỉnh/thành vừa phát huy sáng tạo, tự chủ; vừa tuân thủ yêu cầu cơ bản, thiết yếu của học vấn phổ thông ở kỳ thi này.

Mục tiêu “kép”

Theo thầy Nguyễn Phương Bắc - giáo viên Trường THCS Lâm Thao (huyện Lương Tài, Bắc Ninh), tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập là kỳ thi có quy mô cấp tỉnh. Cấu trúc, phạm vi của đề thi do sở GD&ĐT quyết định. Giáo viên, học sinh thường dựa vào cấu trúc đề thi vào lớp 10 các năm học trước để ôn tập nên chất lượng thi tương đối ổn định. Tuy nhiên, xét theo phạm vi cả nước, đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT hiện nay chưa thống nhất về cấu trúc và mức độ tư duy.

Năm học 2024 - 2025, khi bắt đầu thực hiện sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018 cho lớp 9, đề thi vào lớp 10 sẽ có nhiều thay đổi về cấu trúc. Để đảm bảo tính thống nhất trong mục tiêu giáo dục, thầy Nguyễn Phương Bắc đề xuất Bộ GD&ĐT cần có định hướng chung cho việc ra đề tuyển sinh vào lớp 10 để các tỉnh/ thành vừa phát huy sáng tạo, tự chủ; vừa tuân thủ các yêu cầu cơ bản, thiết yếu của học vấn phổ thông ở kỳ thi này.

“Đây là vấn đề cần được thực hiện ngay để kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 có những đổi mới tích cực”, thầy Nguyễn Phương Bắc nêu quan điểm.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, (quận Gia Lâm, Hà Nội) đồng tình với việc cần có định hướng chung cho việc ra đề tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cần tôn trọng và linh hoạt khi ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo đó, từ định hướng chung, các địa phương căn cứ vào điều kiện, khả năng cụ thể để vẫn đáp ứng được chuẩn chung, vừa phát huy hoặc khắc phục ưu, nhược của học sinh trong tỉnh. Cùng đó, không làm mất đi tính mới, sáng tạo của đề thi mỗi năm mà vẫn đúng với khung chuẩn toàn quốc.

Cùng quan điểm, lý do cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) đưa ra là mục tiêu Chương trình GDPT 2018 nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Do đó, các thành tố bao gồm nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá người học phải đồng bộ mục tiêu chương trình.

Cụ thể, mục đích của đổi mới đánh giá người học là: Điều chỉnh phương pháp dạy của giáo viên, cách học của học sinh; đổi mới công tác quản trị nhà trường; điều chỉnh hoạt động chuyên môn, giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng theo mục tiêu chương trình mới.

Vì thế, Bộ GD&ĐT nên có định hướng chung cho các sở GD&ĐT định dạng cấu trúc đề thi để đạt mục tiêu “kép”: Tỉnh/thành vừa phát huy sáng tạo, tự chủ; vừa tuân thủ các yêu cầu cơ bản, thiết yếu của nội dung chương trình.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Dành khoảng trống cho địa phương tự chủ

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2028 cho rằng: Trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018, với thực tiễn học sinh học 3 bộ SGK, yêu cầu đánh giá thay đổi, nhất là tiêu chí không sử dụng các văn bản đã học trong SGK... thì có một định hướng chung cho kỳ thi vào lớp 10 của Bộ GD&ĐT hết sức cần thiết.

Định hướng chung này cũng giống như công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, do đã phân cấp, quyền, nên định hướng ấy cần nêu các yêu cầu chung nhất, dành lại một khoảng trống lớn cho các địa phương sáng tạo, tự chủ, để “Trăm đường một hướng, nở muôn hoa”.

Gợi ý riêng với đề thi Ngữ văn vào lớp 10 từ năm 2025, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, bám sát các yêu cầu cần đạt và đánh giá của Chương trình GDPT 2018; quán triệt yêu cầu của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông; chú ý Quyết định 764/QĐ-BGDĐT ngày 8/3/2024 quy định cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tạo sự nhất quán, đồng hướng với các quan điểm, nguyên tắc đánh giá.

Từ các cơ sở trên, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, có thể đề xuất định hướng chung cho việc ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn theo một số yêu cầu cơ bản, thiết yếu sau:

Thứ nhất, đề thi cần đánh giá được năng lực văn học, ngôn ngữ của học sinh thông qua các yêu cầu đọc hiểu và viết (năng lực nói và nghe thực hiện trong đánh giá thường xuyên). Vì thế, đề thi cần tập trung vào câu hỏi, bài tập đọc hiểu và yêu cầu viết.

Thứ hai, phần đọc hiểu và viết lấy ngữ liệu ngoài SGK, có thể một trong 3 loại văn bản: Văn học, nghị luận và thông tin. Các văn bản ngữ liệu cần phù hợp với học sinh và tương đương các văn bản đã học về độ khó, thể loại, kiểu văn bản, đề tài, chủ đề...

Thứ ba, đề thi cần tập trung chủ yếu vào các yêu cầu cần đạt của chương trình lớp 9 cả về thể loại, kiểu văn bản đọc hiểu, kiểu bài viết. Văn bản dùng đọc hiểu và viết cần bảo đảm đúng các tiêu chí về ngữ liệu đã nêu trong Chương trình GDPT 2018. Độ dài văn bản đọc hiểu, viết cần phù hợp thời gian làm bài, trình độ, năng lực của học sinh lớp 9.

Thứ tư, đề cần chú ý sự hài hòa giữa yêu cầu huy động hiểu biết về xã hội và văn học; thể hiện qua các yêu cầu về đọc hiểu (loại văn bản nào?) và viết (nghị luận văn học, nghị luận xã hội). Câu hỏi đọc hiểu, viết cần đánh giá được cả 3 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Cần có câu hỏi yêu cầu vận dụng tiếng Việt trong đọc hiểu và viết.

Thứ năm, đề có thể vận dụng linh hoạt các hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trong đánh giá năng lực đọc hiểu; yêu cầu viết đoạn hay viết bài trong phần đánh giá năng lực viết. Tỷ lệ điểm giữa các yêu cầu không nên mất cân đối giữa phần đọc hiểu và viết, giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học...

Cuối cùng, cần chú ý yêu cầu phân hóa trong đề thi bằng các câu hỏi, câu lệnh và gợi ý chấm bài (đáp án). Tuy nhiên không nêu những yêu cầu quá sức học sinh lớp 9 cả về độ dài văn bản và câu hỏi, câu lệnh; gây quá tải, tâm lý bức xúc cho người học, phụ huynh cũng như dư luận xã hội...

Chương trình Ngữ văn 2018 nêu: “Học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá...”. Bộ GD&ĐT cần sớm có thông tin chung cần thiết về mục tiêu, nội dung và cách thức đánh giá vào lớp 10 để có mặt bằng chung; từ đó giáo viên, học sinh tham khảo, chuẩn bị tốt cho việc dạy, học, ôn luyện trong kỳ thi vào lớp 10. - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

GD&TĐ - Nhạc trưởng Kevin De Bruyne đã "đồng ý miệng" về việc rời Man City và chuyển sang thi đấu tại giải Saudi Pro League của Ả Rập Xê-út.