Đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 Đà Nẵng tiệm cận Chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng được đánh giá có tính phân hóa cao, tiệm cận với Chương trình GDPT 2018.

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú sau buổi thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú sau buổi thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024.

Rất nhiều thí sinh ở Đà Nẵng khá bất ngờ với đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024.

Thí sinh Lê Minh Hoàng, học sinh Trường THCS Chu Văn An, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú cho biết: "So với những năm trước thì đề Ngữ văn năm nay lạ. Chúng em chưa bao giờ gặp dạng đề như vậy cho dù vẫn học bài thơ Đoàn thuyền đánh cá nhưng yêu cầu như của đề ra thì không ai nghĩ đến".

Theo Lê Minh Hoàng, lâu nay, học sinh chủ yếu gặp dạng đề cảm nhận hoặc phân tích, so sánh đoạn thơ của 2 tác phẩm có cùng một chủ đề, phân tích nhân vật chứ phân tích đoạn thơ và làm rõ nghệ thuật xây dựng hình ảnh của tác giả thì hầu như chưa gặp. "Dự kiến bài thi môn Ngữ văn của em chỉ đạt khoảng 5,5 điểm vì em khá là lúng túng với đề thi này" - Hoàng kể.

Phụ huynh đón thí sinh sau buổi thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024.

Phụ huynh đón thí sinh sau buổi thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024.

Trong khi đó, em Lê An, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt cho rằng đề Ngữ văn lạ và hay. "Câu nghị luận xã hội không đến mức khó và gần gũi với học sinh. Tuy nhiên nếu bạn nào không đọc kỹ yêu cầu của đề thì rất dễ bị lan man. Dù câu nghị luận văn học có câu lệnh khá mới so với những năm trước nhưng vì trong đề đã trích dẫn tác phẩm nên nếu bạn nào không thuộc bài thơ này thì vẫn có thể làm được".

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của thành phố Đà Nẵng.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của thành phố Đà Nẵng.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa, tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú cho biết: "Đề năm nay có nhiều nét lạ theo hướng đổi mới tiệm cận với chương trình GDPT 2018. Ngữ liệu đọc hiểu là một dạng văn bản nghị luận trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống".

Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, hai câu đầu của phần đọc hiểu chỉ hỏi ở mức nhận biết nên học sinh có thể dễ dàng trả lời. Câu c nâng lên mức độ hiểu và câu d là vận dụng. Tuy nhiên câu c thì học sinh phải vận dụng kiến thức ngoài ngữ liệu mới có thể trả lời tốt câu hỏi. Câu d là dạng câu hỏi quen thuộc mà nhiều học sinh đã được luyện tập nên các em vẫn có thể trả lời trọn vẹn các ý.

Câu nghị luận xã hội khá hay và thiết thực khi phong trào bảo vệ môi trường đang được cả xã hội quan tâm. Nhà trường cũng tăng cường giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường. Thêm phần ngữ liệu đọc hiểu đã cung cấp thêm các em gợi ý để làm bài.

"Câu nghị luận văn học đã khiến nhiều thí sinh "tủ" bài bị bất ngờ khi gần như không ai dự đoán trúng. Đây là một bài thơ hay của Huy Cận nhưng không dễ phân tích với học sinh. Thêm câu hỏi phân loại theo tôi đánh giá là một câu hỏi chỉ dành cho đối tượng học sinh giỏi nên phần lớn các em sẽ khó hoàn thành trọn vẹn phần trả lời cho câu hỏi nghị luận văn học.

Đây là năm cuối cùng thực hiện kiểm tra đánh giá theo ngữ liệu sách giáo khoa của chương trình 2006 và tỉ lệ chọi vào các trường công lập khá cao. Đề thi có tính phân hóa mạnh sẽ giúp việc tuyển sinh vào các trường công lập được thuận tiện hơn" - thầy Nguyễn Đình Hòa phân tích.

Cô Hoàng Yến Phi, giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nhận xét: "Câu Đọc hiểu vừa sức học sinh, nội dung vấn đề sát hợp thực tế đời sống. Câu nghị luận xã hội được phát triển từ câu Đọc hiểu nên học sinh dễ tư duy, liên hệ".

Với phần nghị luận văn học, theo cô Hoàng Yến Phi, yêu cầu của đề có tính phân hoá trình độ học sinh. Câu Làm văn có 2 ý: ý 1 bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, nội dung sát với trình độ học sinh. Ý 2 phát triển từ ý 1 có tính phân hoá cao. Tuy nhiên vì yêu cầu phân tích 4 khổ nên khiến đề bài hơi dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.