(GD&TĐ) - Sáng ngày 23/11, tại tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì Hội nghị giao ban lần thứ nhất các tỉnh thi đua Vùng I, năm học 2012-2013. Đến dự còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện các Vụ, Cục chức năng Bộ GD-ĐT; Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh và lãnh đạo 15 Sở GD-ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc.
Là đại diện trưởng vùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Lê Xuân trường báo cáo: Các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh vùng cao biên giới đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, song hệ thống mạng lưới trường lớp và quy mô HS tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển từ MN đến các cơ sở GD chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong vùng. Năm học này, toàn vùng có 9.388 trường học các cấp với tổng số hơn 2 triệu HS. Số trường MN và Tiểu học tăng mạnh với hơn 100 trường.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo |
Chuẩn bị cho năm học mới, toàn vùng xây mới được gần 5000 phòng học, sửa chữa được 6.217 phòng học. Số phòng học bộ môn, thư viện, phòng thí nghiệm đạt chuẩn đã, đang được các tỉnh xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu phòng học.
Để tăng cường nguồn lực xây dựng CSVC cho GD, các tỉnh miền núi đã tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách; kêu gọi XHH, đẩy nhanh tiến độ KCH trường, lớp và nhà công vụ GV.
15 tỉnh ký giao ước thi đua |
Bên cạnh việc giải quyết tốt các chế độ chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng được các Sở chú trọng như bồi dưỡng hè, đào tạo và đào tạo lại đối với GV yếu, nâng chuẩn cho GV dưới chuẩn. Đồng thời tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng Gv, đổi mới phương thức tuyển dụng, ưu tiên tuyển GV người dân tộc thiểu số…vv.
Hiện nay, toàn vùng có 2.661/9.388 trường đạt chuẩn. Trong đó, một số tỉnh có tỉ lệ trường chuẩn cao như Bắc Giang 65%, Thái Nguyên gần 61%, Quảng Ninh 48,9%, đơn vị trưởng Vùng I là Phú Thọ đạt gần 45%. Tuy nhiên, ở khối THPT, toàn vùng mới chỉ có 75 trường đạt chuẩn. Trong khí đó, Bắc Kạn, Hà Giang và Lai Châu chưa hề có trường THPT chuẩn quốc gia.
Đồng chí Nguyễn văn Linh tặng hoa các NGƯT tham dự Hội nghị |
Năm học 2012-2013 do các tỉnh thực hiện nhiều gải pháp quyết liệt nên đã duy trì được tỉ lệ HS chuyên cần, vận động HS ra lớp, HS bỏ học giảm. Bởi số HS bỏ học sau hè và đầu năm học của 15 tỉnh trong vùng là gần 7000 em, chiếm 0,32%.
Đặc biệt, đây là Vùng khó khăn nhưng nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả GD cao. Như Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã tham mưu với UBND tỉnh quyết định cho 90 GV tiếng Anh đi học 3 tháng và 2 chuyên viên học 6 tháng tại Trường ĐH Segi- Malaysia. Hay Thái Nguyên ký hợp đồng với ĐH Thái Nguyên bồi dưỡng cho 163 GV tiếng Anh trong thời gian 6 tháng với kinh phí hơn 1 tỉ đồng…vv. Hoặc Lào Cai triển khai rất thành công chương trình GD mới dành cho các lớp thí điểm HS Tiểu học.
Tiêu biểu như đơn vị Lai Châu, nhằm nâng cao chất lượng GD, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường có điều kiện đảm bảo CSVC sẽ thực hiện phương án chuyển HS thuộc các điểm lẻ khối 3-4-5 về học ở trường trung tâm. Để HS có chế độ bán trú, trực tiếp các nhà trường tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc HS. Đây là cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng HS vùng khó, vừa giảm được số biên chế GV của trường, chất lượng GD đi lên rõ rệt.
Các đại biểu tham dự |
Nhưng tại cuộc họp giao ban vùng lần này, một số đại diện các Sở đã đưa ra những khó khăn với mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ. Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang và Thái Nguyên nêu ra khó khăn của tỉnh khi không có biên chế dành cho cô nuôi đối với bậc học MN mà chủ yếu các trường đi thuê. Do đó, mong muốn Bộ có hướng dẫn, có định mức biên chế cô nuôi
Đặc thù là tỉnh miền núi, HS đi lại khó khăn, trường học xa nhà, nhất là với HS THPT. Nhu cầu trọ học cao nhưng Nhà nước chỉ có chính sách hỗ trợ cho HS bán trú Tiểu học và THCS, vì vậy, các đại biểu trong vùng có mong muốn có nguồn hỗ trợ cho HS THPT, giúp các em tốt nghiệp THCS có điều kiện học lên cao mà không phải bỏ học để đi làm. Sở GD-ĐT Cao Bằng kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm cấp kinh phí xây dựng các TT GDTX; tăng kinh phí để tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà công vụ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Sơn la lại mong muốn tăng chỉ tiêu biên chế GVMN bởi để tăng tỉ lệ huy động, dự kiến mỗi năm riêng tỉnh này cần từ 300-350 GV cho các huyện…vv.
Tiết mục văn nghệ chào mừng của Gv Bắc Giang |
Sau khi đại diện một số Vụ, Cục chức năng giải đáp những thắc mắc của các Sở, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Vùng I là vùng khó khăn nhất, kinh tế nghèo khó nhất, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Thời gian qua Vùng I giải quyết tương đối tốt những bất cập, thực hiện các nhiệm vụ năm học của ngành đề ra. Trong thời gian tới các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai sáng tạo và hiệu quả phong trào xây dựng Trường học thân thiện, HS tích cực và cuộc vận động Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.
Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo đội ngũ GV, việc bồi dưỡng GV Ngoại ngữ, cần ưu tiên GV đi bồi dưỡng chương trình dạy học mới, GV dạy phải đạt trình độ yêu cầu tương đương B1, B2, C1; tăng cường CSVC, giải quyết cơ bản phòng học tạm; Thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi; Tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú. Đặc biệt, cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, giúp các sở học tập lẫn nhau những thế mạnh của các địa phương…vv.
Việt Hoa