Quyết tâm là dẹp được!

GD&TĐ - Đã đến lúc chính quyền các cấp, thậm chí các bộ, ngành liên quan, cần ban hành ngay quy định “cấm hát karaoke bên ngoài phòng cách âm”, bất luận là vặn to âm lượng hay chỉ “hát vừa đủ nghe”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Câu chuyện về ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã được UBND TPHCM đặt lên bàn nghị sự hôm 9/3 với một quyết tâm là phải “dẹp cho bằng được trong năm nay”, đủ để thấy mức độ nghiêm trọng của món “giải trí” gây đau khổ cho bao người này. 

Vậy là, hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã được xếp vào loại “tệ nạn xã hội” chứ không chỉ là chuyện “làm phiền” đơn thuần nữa rồi. Chỉ có “tệ nạn xã hội” thì chính quyền thành phố lớn nhất nước này mới “hạ quyết tâm” và “mở đợt cao điểm lần 1” từ nay đến tháng 5 và lần hai là đến cuối năm nay.

Dẹp nạn hát karaoke bằng loa kẹo kéo mà phải mở đợt cao điểm như thế thì cũng cần khẳng định rằng, đó gần như là một loại tội phạm vậy. Có điều là, loại “tội phạm” này cứ nhơn nhơn công khai trước bàn dân thiên hạ chứ chả lẩn trốn hay lén lút như đám hút chích gì. Thậm chí bọn này còn thách thức cả chính quyền, xem kỷ cương, phép nước và luật pháp chả là gì.

Trong cuộc họp nói trên, lãnh đạo các quận, huyện của TPHCM, bên cạnh nêu một số giải pháp cần được hỗ trợ thì nhiều vị lãnh đạo cũng không quên “trình bày hoàn cảnh khó khăn”, như thiếu máy đo tiếng ồn, thiếu chế tài xử phạt, không đủ nhân lực để thực hiện…

Xin được nói rõ là, hát karaoke bằng loa kẹo kéo chứ không phải chuyện chích choác hay chuẩn bị đua xe mà chúng lén lút bí mật đến giờ phút chót mới thực hiện nên chính quyền trở tay không kịp. Chỉ cần một bộ loa kẹo kéo cộng với vài ba người mà tai của họ không còn chức năng để nghe nữa là có thể cả xóm cả làng hoặc cả khu phố ấy mất ngủ hoặc đau thần kinh với họ.

Thế nên, bây giờ là lúc cơ quan chức năng không phải du di, rà soát các điều luật sao cho “có lý” để không chỉ phạt mà phải kiên quyết dẹp ngay và luôn nếu thấy vác loa ra để trước hiên nhà và hát, bất luận hát “trong giờ” hay xuyên đêm. Không ai có thể chịu thấu (trừ những người này) dù họ có chấm dứt hát trước 10 giờ đêm. Phàm đã là làm phiền người khác thì bất kể thời gian, không gian nào cũng khiến người ta không thấy thoải mái. 

Thông qua các phương tiện truyền thông, không ít người dân đã phải khóc ròng khi nhà hàng xóm ngày nào cũng “cõng mẹ đi chơi”, đêm nào cũng “đắp mộ cuộc tình”, trưa nào cũng “xuân này con không về”… Họ sợ hãi đến mức mà nhà bên chỉ cần “a lô” thử âm thanh là cả khu phố phải lánh đi đâu đó.

Con cái họ không tài nào học được, cha mẹ già và bản thân họ không tài nào có thể nghỉ ngơi được. Vậy thì tại sao lại vin vào chuyện không có máy để đo tiếng ồn? Sao lại vin vào luật là “hát trong giờ hành chính” hoặc âm lượng nhỏ thì được phép?

Không ai cấm ca hát cả, thậm chí la hét cũng mặc, miễn là không để hàng xóm phải “thưởng thức” những âm thanh đủ các thể loại trong đêm thanh vắng hay giờ làm việc.

Dịch Covid khó vậy còn dẹp được. Nạn đua xe và hút chích với bao nhiêu thủ đoạn của bọn tội phạm ta còn dẹp được. Thế thì hát karaoke tại sao không dẹp được? Nhân dân đang cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào cuộc để dẹp nạn karaoke bằng loa kẹo kéo, sớm trả lại sự yên bình trong thời điểm vốn nhiều khó khăn như lúc này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.