Lật tẩy chiêu trò
Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần tu bổ di tích Trung ương Vinaremon (sau đây gọi là Công ty Vinaremon) có nhân sự sử dụng bằng giả tham dự gói thầu gần 10 tỷ đồng tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, GD&TĐ đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục tìm hiểu về quy trình xử lý đối với nhà thầu có hành vi vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.
Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, thẩm quyền xử lý trong đấu thầu trước hết là của chủ đầu tư - Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn và hướng dẫn phóng viên liên hệ với ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn để làm việc.
Trao đổi với GD&TĐ, ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn cho biết, trong quá trình chấm thầu, đơn vị tư vấn có một số quan điểm nghi ngờ về bằng cấp của ông Nguyễn Đình Long do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cấp và có kiến nghị với chủ đầu tư để tiến hành xác minh.
“Đơn vị tư vấn dùng bằng cấp của ông Nguyễn Đình Long so sánh với một số bằng do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cấp với cùng khoảng thời gian thì nhận thấy có điểm khác biệt. Sau đó phía nhà trường có văn bản trả lời về bằng cấp của ông Nguyễn Đình Long không có trong hệ thống. Như vậy, đồng nghĩa với việc đây là bằng giả”, ông Thịnh cho biết.
Về quy trình thực hiện các bước tiếp theo, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn khẳng định, dù biết hay không biết việc nhân sự dùng bằng giả, khi công ty sử dụng nhân sự đó để tham dự đấu thầu thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi lên Sở KH&ĐT Thanh Hóa- là cơ quan quản lý về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh. Việc tiến hành xử lý nhà thầu với hành vi sử dụng nhân sự có bằng cấp giả sẽ đợi sở có hướng dẫn cụ thể. Quan điểm là sẽ thực hiện quyết liệt”, Phó Giám đốc, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn nhấn mạnh.
Báo GD&TĐ đã tiếp tục liên hệ tới Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được phản hồi từ sở này.
Trước đó, ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ký quyết định số 575 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 03 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm xây dựng công trình phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.
Kết quả phê duyệt lựa chọn có 2 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty TNHH xây dựng giao thông thuỷ lợi và sản xuất vật liệu xây dựng Đức Huy đã trúng thầu với giá 9.008.444.000 VND, tiết kiệm hơn 5,4 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ 0,06%.
Nhà thầu còn lại là Công ty Cổ phần tu bổ di tích Trung ương - Vinaremon (Công ty Vinaremon) trượt thầu với lý do không đạt năng lực và kinh nghiệm.
Công ty Vinaremon từng tham dự gói thầu nào tại Thanh Hóa?
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, dưới vai trò liên danh và độc lập, Công ty Vinaremon đã từng tham gia 53 gói thầu với tổng giá trị 697.966.274.757 VND. Mạng lưới hoạt động của doanh nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam. Đa phần các gói thầu mà doanh nghiệp này thực hiện đều liên quan đến cải tạo, tu bổ các công trình.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Công ty Vinaremon từng tham dự gói thầu gói số 03: Xây dựng các hạng mục công trình còn lại (không bao gồm các hạng mục Tiền điện, Trung điện, Thượng điện, Tứ trụ) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Gói thầu có giá dự toán 13.213.400.000VND, Công ty Vinaremon trúng thầu với giá 13.184.881.074 VND tiết kiệm 28 triệu đồng, tương ứng với tỉ lệ 0,2%.
Tiếp đến là gói thầu Gói số 3: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và mỹ thuật công trình thuộc dự án Cải tạo, sửa chữa phòng họp trực tuyến tầng 3, Trụ sở Tỉnh ủy thành Phòng Truyền thống Tỉnh ủy Thanh Hóa. Công ty Vinaremon trúng thầu bằng với giá gói thầu là 8.398.153.000 VND.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM nhìn nhận, nhà thầu phải có trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu, thông tin mà nhà thầu đưa ra trong HSDT.
Trường hợp nhân sự gian lận đối với các bằng cấp trong hồ sơ tự khai của mình thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm vì đã quan liêu, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nhân sự, không kiểm tra tính xác thực đối với các tài liệu của nhân sự thuộc quyền quản lý của nhà thầu và HSDT.
Theo luật sư Bình, tùy từng trường hợp, tính chất, mức độ trong từng sự việc, chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra các hình thức xử lý đối với nhà thầu có HSDT thiếu trung thực như cảnh cáo, nhắc nhở, xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có) để răn đe. Ngoài việc bị xử lý như trên, chủ đầu tư có thể đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân gian lận.
Đối với những dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, nếu để “lọt” những nhân sự có bằng cấp giả mạo đồng nghĩa với việc không có chuyên môn thì rủi ro từ sự việc này là vô cùng lớn.
Đặc biệt, đối với những cán bộ kỹ sư tham gia trực tiếp tại dự án mà lại làm giả bằng cấp sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhà Nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và hơn thế nữa là chất lượng công trình.
Để tránh có dư luận không tốt, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng có quyết định xử lý cuối cùng, đúng quy định pháp luật hiện hành đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về đấu thầu.