Tiếp vụ Thanh Hóa phát hiện hồ sơ nhà thầu có gian lận bằng cấp: Trách nhiệm không thể chối cãi

GD&TĐ - Theo quy định, nhà thầu chịu trách nhiệm pháp luật về tính chính xác và trung thực các thông tin đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.

Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thầu gói thầu số 03 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm xây dựng công trình phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.
Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thầu gói thầu số 03 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm xây dựng công trình phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ dự thầu

Báo Giáo dục và Thời đại ngày 31/7/2024 có bài viết: “Cần xử lý nghiêm nhà thầu gian lận hồ sơ dự thầu tại Thanh Hóa”. Bài viết thông tin về việc Công ty Cổ phần tu bổ di tích Trung ương Vinaremon (sau đây gọi là Công ty Vinaremon) có nhân sự sử dụng bằng giả tham dự đấu thầu gói thầu gần 10 tỷ đồng tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Cụ thể, ngày 23/7/2024, ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ký quyết định số 575 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 03 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm xây dựng công trình phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.

Gói thầu có 2 nhà thầu tham dự, Công ty TNHH xây dựng giao thông thuỷ lợi và sản xuất vật liệu xây dựng Đức Huy trúng thầu với giá 9.008.444.000 VND, gói thầu có giá trị 9.013.886.000 VND tiết kiệm 5,4 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 0,06%.

Kết quả đánh giá về năng lực, kinh nghiệm cho thấy nhà thầu là Công ty Vinaremon: Không đạt.

Điều tra của GĐ&TĐ cho thấy, ngày 19/7/2024, đơn vị tư vấn đánh giá E-HSDT gói thầu nêu trên có văn bản gửi Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn về đánh giá năng lực của Công ty Vinaremon.

Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia xét thấy bằng tốt nghiệp đại học của ông Nguyễn Đình Long (nhân sự trong hồ sơ dự thầu do Công ty Vinaremon đề xuất) có dấu hiệu giả mạo sau khi tra cứu thông tin danh sách công khai quyết định công nhận tốt nghiệp của Trường Đại học Kiến trúc trên Website địa chỉ https://hau.edu.vn/Cong-bo-cong-khai-ve-cap-van-bang. Trong danh sách không có tên của ông Nguyễn Đình Long.

Ngày 15/7/2024; Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa có văn bản gửi Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xác minh thông tin văn bằng của ông Nguyễn Đình Long do nhà thầu đăng tải, có ngày sinh là 12/02/1985; số hiệu bằng: 266854; số vào sổ: 37328; ngày cấp 18/04/2014.

Ngày 17/7/2024, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tại văn bản 339/DHKT-ĐT xác nhận cá nhân mang tên Nguyễn Đình Long (như trên): Không có trong hồ sơ dữ liệu sinh viên tốt nghiệp của nhà trường.

Sau khi bài viết được đăng tải, ngày 2/8/2024, Công ty Vinaremon có văn bản số 15/2024/CV-TBDT về việc Phản hồi thông tin báo chí (ông Trần Văn Khanh - Tổng Giám đốc Công ty Vinaremon ký) đề nghị Báo Giáo dục và Thời đại gỡ thông tin nội dung bài báo, xin lỗi công khai.

Tại văn bản nêu trên, Công ty Vinaremon cho rằng “Công ty cũng giống như các đơn vị sử dụng lao động khác, không có trình độ và nghiệp vụ chuyên môn để kiểm chứng tất cả các loại văn bằng của người lao động.... Việc Báo Giáo dục & Thời đại đăng tải thông tin như trên cho rằng nhà thầu gian lận hồ sơ và đặt vấn đề xử lý nhà thầu là chưa đúng nhiệm vụ quyền hạn, tôn chỉ mục đích của Báo, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín danh dự và việc làm cho người lao động của công ty, có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 8, Điều 9 Luật Báo chí”.

Công ty Vinaremon nêu lý do như trên là không đúng, không thuyết phục. Công ty Vinaremon là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp, có tài khoản và con dấu riêng. Vì đó, công ty hoàn toàn có thể có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý về giáo dục kiểm tra văn bằng, chứng chỉ người lao động có liên quan.

Báo cáo đánh giá E- Hồ sơ dự thầu gói thầu nêu trên được chủ đầu tư dự án đăng công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia (không phải là tài liệu mật). Điều này thể hiện tính minh bạch, hợp pháp, tuân thủ nghiêm minh pháp luật về đấu thầu và hệ thống pháp luật có liên quan của chủ đầu tư dự án. Thông tin về gói thầu trên không phải là tài liệu mật.

Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động tuân thủ theo pháp luật. Báo kiên quyết đấu tranh với các hành vi của tổ chức, cá nhân không trung thực, gian lận văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục, đào tạo, bảo vệ tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật hiện hành. Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả của bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng cần được lên án, xử lý nghiêm theo quy định, không có "vùng cấm".

Căn cứ quy định của Luật Báo chí, các văn bản pháp luật khác có liên quan, tài liệu bài viết, Báo Giáo dục và Thời đại nhận thấy, không có cơ sở để thực hiện đề nghị như trên của Công ty Vinaremon.

Điểm b, khoản 3 Điều 82, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 ) quy định nhà thầu, nhà đầu tư: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia”.

A1.jpeg
Nhà thầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Làm nghiêm để đảm bảo sự minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu thầu

Khoản 4 Điều 16, Luật Đấu thầu nêu rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu là: Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Báo cáo đánh giá E - HSDT gói thầu trên thể hiện rõ: "Khoản 2, Điều 27, Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu: “Trường hợp nhân sự chủ chốt (trừ nhân sự chủ chốt thực hiện phần công việc tư vấn (E) trong gói thầu EPC, EP, EC, chìa khóa trao tay), thiết bị chủ yếu mà nhà thầu để xuất trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động nhân sự (bao gồm cả trường hợp nhân sự đã huy động cho hợp đồng khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này) thì bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế.

Nhà thầu chỉ được bổ sung, thay thế một lần đối với từng vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu trong một khoảng thời gian phù hợp. Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thể nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này” (bị cấm tham gia đấu thầu từ 3-5 năm- PV).

A1.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật TP HCM

Lộ lọt nhân sự “dởm” hậu quả khôn lường…

Đối với những dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, nếu để “lọt” những nhân sự có bằng cấp giả mạo đồng nghĩa với việc không có chuyên môn thì rủi ro từ sự việc này là vô cùng lớn. Đặc biệt, đối với những cán bộ kỹ sư tham gia trực tiếp tại dự án mà lại làm giả bằng cấp sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhà Nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và hơn thế nữa là chất lượng công trình.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM nhìn nhận, nhà thầu phải có trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu, thông tin mà nhà thầu đưa ra trong HSDT.

Trường hợp nhân sự gian lận đối với các bằng cấp trong hồ sơ tự khai của mình thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm vì đã quan liêu, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nhân sự, không kiểm tra tính xác thực đối với các tài liệu của nhân sự thuộc quyền quản lý của nhà thầu và HSDT.

Theo luật sư Bình, tùy từng trường hợp, tính chất, mức độ trong từng sự việc, chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra các hình thức xử lý đối với nhà thầu có HSDT thiếu trung thực như cảnh cáo, nhắc nhở, xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có) để răn đe. Ngoài việc bị xử lý như trên, chủ đầu tư có thể đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân gian lận.

Liên quan đến vấn đề này, Báo GD&TĐ cũng sẽ có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án thanh kiểm tra, rà soát các gói thầu có sự tham gia của Công ty Vinaremon và nhân sự mang tên Nguyễn Đình Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ