Rất dễ bị chia năm xẻ bảy nếu vẫn còn treo
Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, nếu ĐH Đà Nẵng không khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thì làng ĐH sẽ bị chia năm xẻ bảy cho những trường ĐH khác cạnh tranh với chính ĐH Đà Nẵng.
“Mô hình đào tạo liên kết đầu tư nước ngoài đang là mô hình mà Đà Nẵng rất kỳ vọng trong cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo. Nếu cứ để chậm như 20 năm qua mà có dự án cần từng đó đất để làm trường ĐH, phù hợp với mong muốn của Đà Nẵng thì phải cấp đất cho người ta. Nếu các đồng chí ngại đi xa, chỉ nhìn vào nhiệm kỳ của mình thì sẽ rất khó có sự bứt phá, các lãnh đạo ở đây sẽ tự lấy đá ghè vào chân của mình.” – ông Nghĩa nói.
Một góc của dự án làng Đại học (Ảnh VOV) |
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, kể từ sau Thông báo 149/TB-VPCP đến nay, ĐH Đà Nẵng đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam lên khái toán sơ bộ chi phí bồi thường, GPMB, tái định cư (nếu giải tỏa toàn bộ) với tổng số tiền 3.430 tỷ đồng. Đã lập Báo cáo sơ bộ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Khu Đô thị ĐHĐN gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 8.620 tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1954/BGDĐT-KHTC ngày 15-5-2018 gửi Bộ Kế hoạch&Đầu tư về việc bố trí vốn cho Dự án xây dựng Làng ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Trong đó, đề nghị bố trí vốn giai đoạn 2018 - 2020 để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phía Đà Nẵng; xây dựng Trung tâm điều hành, xây dựng Đại học Việt-Anh với tổng số vốn 3.725,8 tỷ đồng. Đã lập xong Báo cáo rà soát quy hoạch và nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 gửi Bộ Xây dựng thẩm định tại Tờ trình số 634 ngày 12-2-2018.
Quá trình thực hiện dự án, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, còn có một số vướng mắc như thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là việc giải phóng mặt bằng vì liên quan đến hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam, việc thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch mất rất nhiều thời gian.
Thành lập ban chỉ đạo chung giữa 2 địa phương và ĐH Đà Nẵng
Về phía đại diện địa phương Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, cho đến thời điểm này dự án vẫn chưa được phê duyệt được điều chỉnh quy hoạch là quá chậm trong khi dự án đã được Chính phủ đưa vào vốn trung hạn.
Ông Dũng cũng đề nghị ĐH Đà Nẵng cần xây dựng được kế hoạch tổng thể về công việc; thay đổi phương thức hợp tác với các địa phương để có thể hỗ trợ lẫn nhau; nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện dự án, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội. Ông Dũng dẫn chứng việc vẫn chưa phê duyệt quy hoạch điều chỉnh là do ĐH Đà Nẵng không thông qua thành phố nên Bộ Xây dựng trả lại hồ sơ.