Quyết định mang tầm chiến lược

Quyết định mang tầm chiến lược

Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh đang học tập tại nước ngoài. Mắc kẹt ở xứ người, chông chênh giữa về và ở lại, du học sinh trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Nhiều bạn trẻ quyết định về nước, dù trong vòng tay của gia đình, người thân, bè bạn, nhưng vẫn đau đáu bởi việc học dang dở, bao công sức nỗ lực có nguy cơ "mất trắng".

Trong bối cảnh ấy, mới thấy ý nghĩa vô cùng nhân văn của việc cho phép các du học sinh trở về quê hương được tiếp tục học trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, đây là quyết định có tầm chiến lược và thể hiện sự chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trước những biến động; tạo niềm tin, giải tỏa lo lắng, áp lực cho hàng nghìn du học sinh và gia đình.

Giáo dục đại học Việt Nam đã và đang rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng với nhiều đại học uy tín trên thế giới. Công tác tại một trường được xếp hạng quốc tế, TS Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định, được xếp hạng cùng với các đại học uy tín trong khu vực hoặc trên thế giới, chất lượng giáo dục, nghiên cứu có thể tương đương nhau. Không ít đại học tiên tiến ở Việt Nam có nhiều cải cách trong chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, nên du học sinh cũng sẽ dễ dàng hòa nhập. Điều thú vị là, nếu chọn học các đại học tương đương ở Việt Nam, chi phí sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hầu hết các hoạt động được đặt trong hệ quy chiếu thế giới. Định nghĩa nguyên thủy của đại học là nơi thực hiện các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đối với nghiên cứu khoa học, hiển nhiên là không biên giới. Và đối với giáo dục, các nước cũng đã và đang xóa dần khoảng cách. Do đó, dù học ở đâu, đại học nào, mỗi sinh viên đều cần trang bị cho mình tối thiểu 3 nhóm kiến thức, gồm chuyên môn, ngôn ngữ và kỹ năng mềm. Trong đó, ngôn ngữ phải bao gồm tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Các du học sinh khi gia nhập môi trường giáo dục đại học Việt Nam cần rõ điều này để nỗ lực, cố gắng.

Nhìn từ một phía khác, quyết định của Bộ GD&ĐT cũng là cơ hội vàng để các trường thể hiện và khẳng định vị thế; một cú hích mạnh mẽ thúc đẩy hướng tiếp cận với các chương trình chuẩn khu vực, tiệm cận quốc tế; cơ hội để quảng bá về giáo dục Việt Nam hoàn toàn có thể phấn đấu ở một số lĩnh vực để đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế, khu vực.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về sự sẵn sàng của các cơ sở giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ này và liệu du học sinh có sẵn sàng tiếp tục học tập ở Việt Nam khi hết dịch bệnh… Gợi ý cho tình thế trên, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) Tôn Quang Cường cho rằng, các trường tốp trên nên ký kết hoặc nhập khẩu chương trình tốt của đối tác nước ngoài, sau đó Việt Nam hóa để thu hút du học sinh về nước học. Với chương trình này, các trường có thể dạy kết hợp trực tiếp (dạy ở Việt Nam) và trực tuyến (nước ngoài dạy).

Như vậy, du học sinh trở về không bị gián đoạn việc học; trường đại học cũng được mở cơ hội mới. Một quyết định mang tính chiến lược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ