Theo Văn bản số 827/UBND-KGVX của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành y tế tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Ngày 18/11/2023, tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 28/11/2023, ban hành Công văn số 4248/UBND-KGVX giao Giám đốc Sở Y tế khẩn trương tham mưu triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh.
Tuy nhiên đến nay, Sở Y tế chưa ban hành văn bản triển khai thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chưa chủ động, tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác y tế và tháo gỡ khó khăn cho ngành. Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số đơn vị y tế cơ sở công lập.
Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh phê bình Giám đốc Sở Y tế do không chủ động, tích cực triển khai toàn diện các nhiệm vụ của ngành. Yêu cầu Giám đốc Sở Y tế khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại.
Chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của ngành để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả trước ngày 20/3…
Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, hoạt động công vụ là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của luật này và các quy định khác có liên quan. Cán bộ, công chức khi tham gia hoạt động công vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ và có trách nhiệm thực hiện đúng quyền hạn được giao.
Ngoài ra, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ cũng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, xác định nguyên tắc bảo đảm thực hiện một nền hành chính Nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Thế nhưng tại một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm. Không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Thậm chí còn có trường hợp “đẩy” việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác…
Đây là thực tế, dù có thể là chưa phổ biến nhưng đã và đang tồn tại. Hệ quả là thời gian xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức…
Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trong thực tiễn, thiếu đồng bộ, không thống nhất hoặc có xung đột.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của từng vị trí việc làm và chức danh, từ đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đồng thời khuyến khích bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.
Như vậy có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm. Cán bộ, công chức phải tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ này.