Quyền tự chủ

GD&TĐ - Lâu nay, cụm từ “Chương trình đào tạo chất lượng cao” trở nên quen thuộc, bởi không ít trường đại học thực hiện chương trình này.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các trường giảng dạy chương trình chất lượng cao. Từ đây, mở ra hướng đi mới cho cơ sở giáo dục đại học.

Song cũng cần hiểu tường minh rằng, thời điểm Bộ ban hành Thông tư 23 với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học ở những cơ sở có đủ điều kiện, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học đi đúng hướng, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí mà Thông tư 23 đề ra, góp phần nâng cao thương hiệu của nhà trường. Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn có không ít nơi “lạm dụng” việc mở chương trình đào tạo chất lượng cao để gia tăng nguồn thu. Do đó, học phí của chương trình này có nhiều mức khác nhau.

Thực trạng này khiến nhiều người quan ngại và cho rằng, chương trình đào tạo chất lượng cao chỉ dành cho “con nhà giàu”. Đáng nói, không ít người đặt vấn đề về chất lượng đào tạo có thực sự “tiền nào của nấy” hay không?

Băn khoăn của dư luận không phải là không có cơ sở bởi đâu đó khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã bị hiểu sai lệch, thậm chí là méo mó và có phần “biến tướng” ở một số cơ sở. Vô hình trung làm mất đi ý nghĩa của chủ trương, chính sách và sai với mục đích mà Thông tư 23 đề ra.

Ngoài ra, thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23 được dựa trên căn cứ Luật Giáo dục đại học năm 2012. Tuy nhiên, năm 2018 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều nên không còn đề cập đến khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao.

Với sự ra đời của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo; trong đó có cả chương trình với tên gọi chất lượng cao, miễn là đáp ứng các quy định chung về chuẩn chương trình đào tạo giáo dục đại học được quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và quy định về học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ thực tiễn khách quan, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, các trường đại học có thể dùng khái niệm chất lượng cao để đặt tên cho chương trình của mình mà không còn bị ràng buộc bởi các điều kiện quy định trong Thông tư 23. Điều quan trọng là, cơ sở đào tạo phải khẳng định chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với cái tên đó.

Nói cách khác, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai “chương trình chất lượng cao”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT khẳng định, việc xây dựng và thực hiện “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.