Quyền lực gây tổn thương não

GD&TĐ - Nếu quyền lực là một loại thuốc, đi kèm theo nó sẽ là một loạt tác dụng phụ. Nó khiến người người ta điên đảo, mất kiểm soát, phá hỏng nhân cách. Tuy nhiên, bạn có biết, ngoài những “tác dụng phụ” bề ngoài trên, quyền lực còn thật sự gây tổn hại đến não?

Quyền lực xói mòn cảm giác đồng cảm
Quyền lực xói mòn cảm giác đồng cảm

Nghịch lý quyền lực

Quyền cao đi liền với trách nhiệm lớn, hầu hết chúng ta đều từng nghe điều này ít nhất một lần. Nhưng, không phải tất cả các nhà lãnh đạo đều thể hiện điều này. Lịch sử ghi nhận không ít tên tuổi các nhà độc tài với thái độ cực đoan. Vô số nhân vật cấp cao hiện nay bị buộc tội không hiểu quan điểm của cấp dưới, thiếu nhạy cảm với mong muốn của người khác.

Năm ngoái, khi John Stumpf, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của Wells Fargo, ngân hàng lớn thứ ba tại Mỹ, bước vào phiên điều trần trước Quốc hội (vì tội gian lận, thao túng nhân viên mở tới 2 triệu tài khoản khống nhằm bí mật thu phí của khách hàng), hầu hết mọi người đều tìm lời chỉ trích, lăng mạ nặng nề.

Những tưởng Stumpf sẽ bị đánh gục, ai ngờ ông hết sức điềm tĩnh. Mặc dù nói lời xin lỗi, thái độ của Stumpf không có vẻ gì là ăn năn. Ông cũng không tỏ ra thách thức hay ngạo mạn. Bất chấp những tấn công trực diện liên tiếp từ nhiều phía, Stumpf bình thản đón nhận, trả lời như thể chẳng phải chuyện gì lớn.

Trước đây, nhà sử học Mỹ Henry Adams từng ví von quyền lực như một khối u giết chết sự cảm thông. Tất nhiên, Adams không hề dựa trên nghiên cứu khoa học. Dẫu vậy, ông không hề sai. Dacher Keltner, giáo sư tâm lý học tại UC Berkeley, sau nhiều năm thí nghiệm và kiểm chứng, khẳng định các đối tượng bị ảnh hưởng bởi quyền lực thường hành động, ứng xử như người bị tổn thương ở não. Họ trở nên bốc đồng, ít nhận thức về rủi ro và, đặc biệt, ngày càng khó khăn hơn trong việc nhìn nhận từ quan điểm của người khác.

Sukhvinder Obhi, nhà thần kinh học tại Đại học McMaster, Ontario cũng đưa ra kết luận tương tự. Khác với nghiên cứu hành vi của Keltner, Obhi tiến hành nghiên cứu não. Khi đặt một người có quyền lực và một người không có quyền lực dưới một máy kích thích từ xuyên sọ, ông tìm ra phần thần kinh “phản chiếu” (nền tảng tạo ra sự đồng cảm) của người có quyền lực bị suy yếu nghiêm trọng.

Từ phát hiện này, Keltner đưa ra một mảng nghiên cứu thần kinh mới: “Nghịch lý quyền lực”. Nó chỉ ra khi chúng ta đạt được quyền lực cũng là lúc chúng ta mất đi một số năng lực thiết yếu nguyên thủy để có được quyền lực.

Người có quyền lực có xu hướng viết chữ "E" ngược (trái) cao gấp ba lần người không có quyền lực
Người có quyền lực có xu hướng viết chữ "E" ngược (trái) cao gấp ba lần người không có quyền lực 
Thiếu hụt cảm thông

Năm 2006, một nhóm nghiên cứu bao gồm Adam Galinsky (giáo sư), Joe Magee (trợ giảng), M. Ena Inesi (trợ lý giáo sư), Deborah H. Gruenfeld (giáo sư) tiến hành một loạt thí nghiệm nhằm chứng minh ảnh hưởng của quyền hành đến khả năng nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của người khác. Họ phân loại người tham gia làm hai: những người có quyền lực và những người không có quyền lực.

Cả hai nhóm đều được yêu cầu viết chữ “E” lên trán mình. Trước đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả định phần lớn những người có quyền lực sẽ chọn viết chữ “E” ngược (để khi soi gương sẽ thành chữ “E” xuôi) còn người không có quyền lực sẽ viết chữ “E” xuôi (để người khác nhìn vào là thấy). Kết quả thật bất ngờ, tỉ lệ người có quyền lực viết chữ “E” ngược cao gấp ba lần so với người không có quyền lực.

Tiến hành thêm một vài thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu khẳng định người có địa vị cực kỳ kém trong việc xác định cảm nhận thật sự của người khác thông qua tranh ảnh hoặc nét mặt, lời nói.

Nhìn lại bản thân, bạn sẽ thấy không ít lần mình cười theo người khác dù không hiểu người ta cười vì cái gì. Bạn cũng nhiều lần lo lắng theo người khác dẫu chưa biết nỗi bất an của họ là cái chi. Bất kể vì lý do gì, sự bắt chước này cũng phần nào kích hoạt những cảm xúc tương tự trong bạn.

Nhờ nó, bạn có cảm giác như đang trải qua cảm xúc của người khác và bước vào thế giới nội tâm của họ. Trái lại, người ở địa vị cao thường không dễ dàng cười khóc theo người khác như bạn. Theo đánh giá của Keltner, điều này dẫn đến “sự thiếu hụt lòng cảm thông”.

Thực ra, việc sao chép người khác của chúng ta diễn ra hoàn toàn vô thức. Khi quan sát ai đó hành động, não chúng ta tự động tưởng tượng mình cũng đang làm như thế, từ đó tạo nên phản ứng đồng cảm. Người ta vẫn thường gọi điều này là “kinh nghiệm gián tiếp”.

Để cho đơn giản, hãy nhớ lại lúc bạn xem phim hay đọc truyện. Dù cố ý hay không, bạn vẫn ít nhiều đặt mình vào một nhân vật, nhìn và cảm nhận theo cách nhân vật nhìn và cảm nhận. Để đơn giản hơn, hãy nhớ lúc bạn nhìn một đứa trẻ phồng má thổi căng một quả bóng bay hay nhăn nhó vì múi chanh chua lè. Dù không phải mình đang thổi bóng hay ăn chanh, bạn cũng thấy muốn hết hơi, chảy nước miếng.

Khác với bạn, người có quyền lực đơn giản là dừng lại việc thử “xỏ chân vào giày người khác”. Sau nhiều thử nghiệm cùng với đồng sự của mình, Katherine Naish, Obhi rút ra kết luận buồn bã “Không có bất cứ điều gì khác biệt”.

Theo nghiên cứu, một khi có quyền lực, não buộc phải luôn trong tình trạng sàng lọc thông tin. Điều này mang đến hiệu quả hữu ích, đặc biệt là trong giải quyết công việc. Đáng tiếc, khi đặt trong các tình huống xã hội, nó khiến con người trở nên cằn cỗi, vô cảm.

Thay vì cảm thông, khi nắm trong tay quyền hạn, người ta có xu hướng ép người khác phải theo ý mình. Quyền lực lúc này không phải là một vị trí mà là một trạng thái tinh thần. Nó tác động mạnh mẽ đến cách chúng ta nghĩ, nhìn, từ đó đánh mất sự hòa hợp với thực tế.

Người có quyền lực thường không dễ dàng cười khóc với người khác
 Người có quyền lực thường không dễ dàng cười khóc với người khác

Nghiện quyền lực là bệnh

Tháng 2/2016, Tạp chí Tài chính Mỹ đưa ra một nhận định thú vị: Hầu hết các CEO từng trải qua thiên tai lớn lúc nhỏ đều có xu hướng đầu tư mạo hiểm cao hơn các CEO không từng trải qua. Nhưng sóng thần, núi lửa, lốc xoáy không phải là những hiểm họa duy nhất.

Indra Nooyi, CEO PepsiCo, công ty thực phẩm đa quốc gia Mỹ thỉnh thoảng vẫn kể lại câu chuyện ngày đầu tiên nhậm chức của mình, năm 2001. Bà về nhà với sự kiêu ngạo, cứ nghĩ thế nào mẹ cũng chạy ra đón con gái với lời khen “Con thật tuyệt vời” và ly sữa trên tay. Thực tế đánh bay mọi ảo tưởng của Indra. Trước thái độ trưởng giả của cô con gái nay đã là CEO, mẹ Indra cau mày “Hãy vứt cái vương miện chết tiệt đó trong nhà để xe đi”.

Đối với Winston Churchill, cựu thủ tướng Anh, người đánh thức ông là vợ của ông, phu nhân Clementine. Nhìn đấng phu quân mê man trong giấc mơ quyền lực, Clementine dũng cảm viết một bức thư: “Winston yêu quý của em. Em phải thành thật rằng em nhận thấy sự suy thoái trong nhân cách của anh. Anh không còn là con người tử tế như trước đây nữa”. Lá thư này không phải lời phàn nàn mà là sự cảnh báo. Clementine cũng thẳng thắn chỉ ra Churchill đã “khinh thường” cấp dưới thế nào. Bà khẳng định bất kể ông cố ý hay vô tình, điều này cũng vẫn khiến Churchill không thể có được kết quả như ý.

 Não người có quyền lực luôn trong tình trạng phải sàng lọc thông tin nên dần đánh mất sự thấu cảm

Lord David Owen, nhà thần kinh học từng làm bí thư ngoại giao Anh cho biết, trong khi một số thủ tướng Anh và tổng thống Mỹ (kể từ năm 1900) lèo lái giỏi giang (ví dụ Woodrow Wilson), vẫn có người lạm dụng chất gây nghiện (chẳng hạn Anthony Eden), thậm chí rơi vào rối loạn lưỡng cực (như Lyndon B. Johnson, Theodore Roosevelt).

Ngoài ra còn bốn người khác bị rối loạn nhưng được tài liệu y khoa che giấu. Owen coi việc bị quyền hạn chi phối của họ là một loại bệnh, gọi tên là “Hội chứng Hubris”.

“Hội chứng Hubris” hay còn gọi là “Hội chứng nghiện quyền lực” là một rối loạn về quyền lực, đặc biệt là quyền lực có được từ thành công áp đảo. Nó đi liền với biểu hiện kiêu ngạo, tự tin thái quá, thường rơi vào các lãnh đạo cấp cao.

Owen cũng liệt kê 14 biểu hiện lâm sàng của nó, trong đó có: tự luyến, tự cao, bốc đồng, thiếu thận trọng, mất liên kết với thực tế, tưởng mình là thần thánh, phóng đại, khinh thường người khác. Tháng 5/2017, Hội Y học Hoàng gia Anh còn cùng Daedalus Trust, tổ chức Owen thành lập nhằm nghiên cứu và phòng ngừa thói ngạo nghễ, tổ chức một cuộc họp.

Để chữa căn bệnh nghiện quyền lực này, theo Owen, cần tĩnh tâm nhìn lại, thôi tự kiêu về quá khứ vinh quang, xem phim tài liệu về người bình thường, tạo thói quen đọc thư từ, đánh giá.

Để lấy lại sự đồng cảm, hãy hỏi thăm suy nghĩ của người khác trong mỗi lần trò chuyện, phân tích trọng điểm, thể hiện sự quan tâm bằng tất cả thái độ, giọng điệu.

Hãy lắng nghe cẩn thận, đừng vội vàng phán đoán và đưa ra lời khuyên. Cũng nên dành một chút thời gian trước cuộc họp để nghĩ về những người sẽ có mặt, cả cuộc sống thường nhật của họ.

Thôi tự mãn là một trong những cách chữa “Hội chứng nghiện quyền lực”
 Thôi tự mãn là một trong những cách chữa “Hội chứng nghiện quyền lực”
Theo Theatlantic.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ