Đằng sau sự chuyển giao quyền lực ở xứ sở dầu mỏ

GD&TĐ - Là người thừa kế hợp pháp ngai vàng Ả-rập Xê-út, Mohammed bin Nayef chưa bao giờ phải làm bất cứ điều gì ngoài ý muốn. Thế rồi, trong một đêm tháng 6, ông được mời tới một nơi ở Mecca. Ở đó, trái ngược với nguyện vọng của mình, vị hoàng tử kế vị này bị ép buộc trong nhiều giờ để từ bỏ ước nguyện lên ngôi báu.  

Mohammed bin Salman (31 tuổi) hôn tay hoàng tử Mohammed bin Nayef (57 tuổi) tại cung điện hoàng gia Ả-rập Xê-út
Mohammed bin Salman (31 tuổi) hôn tay hoàng tử Mohammed bin Nayef (57 tuổi) tại cung điện hoàng gia Ả-rập Xê-út

Thay đổi trong đêm

Chỉ qua một đêm, đất nước Ả-rập Xê-út thức dậy với tin tức về hoàng tử kế vị mới: Đó là người con trai của ông hoàng Mohammed bin Nayef - Mohammed bin Salman, 31 tuổi.

Những người ủng hộ vị hoàng tử trẻ đã ca ngợi sự thăng tiến của ông như một sự trao quyền của một nhà lãnh đạo đầy tham vọng. Nhưng kể từ khi Mohammed bin Salman được trao quyền ngày 21/6, nhiều dấu hiệu cho thấy vị hoàng tử này đang âm thầm chuẩn bị cho một kế hoạch lật đổ và thực tế, sự chuyển giao quyền lực này phức tạp hơn nhiều so với những gì thể hiện ra bên ngoài.

Theo một số nguồn tin thân thiết với hoàng gia, để củng cố cho sự thay đổi đột ngột trong việc kế thừa ngai vàng, một số hoàng tử của Ả-rập Xê-út được cho biết Mohammed bin Nayef đã không còn phù hợp với ngôi báu do các vấn đề ma túy.

Quyết định hạ bệ Mohammed bin Nayef và những người thân cận của ông đã dấy lên nỗi lo ngại giữa các nhân viên chống phản gián Mỹ, khi mà đối tác thân thiết và được tin cậy nhất của họ bị thay thế và nước Mỹ buộc phải xây dựng một những mối quan hệ mới. Quyền lực được trao cho vị hoàng tử trẻ cũng khiến các thành viên hoàng gia bối rối, bởi đã từ lâu, họ luôn được dẫn dắt bởi sự đồng thuận và uy tín của các bậc trưởng lão.

Những quan ngại

“Việc tập trung quyền lực lớn đến vậy trong một nhánh và trong một cá nhân vốn trẻ hơn nhiều người anh em họ hàng cũng như các con trai của những vị vua tiền bối có thể tạo nên những tình huống khó khăn cho hoàng gia”, Kristian Coates Ulrichsen, một nhà nghiên cứu chính trị vịnh Ba Tư thuộc chuyên ngành Trung Đông học tại Học viện Chính sách công Baker thuộc ĐH Rice cho biết.

Những mối quan hệ và các động thái của hoàng gia Ả-rập Xê-út thường khiến cho các nhà ngoại giao, giới tình báo và các thành viên của bản thân hoàng gia phải vật lộn để giải mã động cơ bên trong.

Nhưng kể từ khi tờ The New York Times hé lộ thông tin rằng, Mohammed bin Nayef bị giam giữ trong cung điện của chính mình, thì các quan chức nước Mỹ và cộng sự của hoàng gia cũng cung cấp những bằng chứng tương tự về việc ông hoàng đã bị gây sức ép để buộc phải bước sang một bên, nhường đường cho vị hoàng tử trẻ.

Trả lời các câu hỏi của tờ báo này, một văn bản của các quan chức Ả-rập Xê-út phủ nhận việc Mohammed bin Nayef bị gây sức ép và nói rằng chính Hội đồng Allegiance (Hội đồng Trung thành - một tổ chức của các hoàng tử của Ả-rập Xê-út) đã thông qua sự thay đổi này vì “những lợi ích tốt đẹp nhất của đất nước”.

Tuyên bố cũng cho biết Mohammed bin Nayef là người đầu tiên tuyên thệ trung thành với vị hoàng tử kế vị mới và nhấn mạnh rằng khoảnh khắc này đã được quay phim và phát sóng. Mohammed bin Nayef cũng gặp gỡ các vị khách hàng ngày ở cung điện tại Jidda và cũng đã hơn một lần diện kiến đức vua và hoàng tử kế vị mới.

Cuộc chuyển giao bất thường?

Cuộc cạnh tranh bắt đầu vào năm 2015, khi vua Salman kế thừa ngôi báu và trao quyền lực cho con trai yêu của mình. Mohammed bin Salman được nêu danh là hoàng tử kế vị, nói cách khác, ông là người đứng đầu trong những người có cơ hội trở thành vua, đồng thời cũng là Bộ trưởng Quốc phòng.

Vị trí này cũng là người lĩnh trách nhiệm hàng đầu trước một hội đồng kinh tế đầy quyền lực, đồng thời cũng được giao trọng trách giám sát độc quyền dầu mỏ của nhà nước. Mohammed bin Salman đã tăng cường quan hệ trong các chuyến thăm Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Tại Mỹ, ông đã gặp gỡ ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và ăn tối với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng. Mohammed bin Salman cũng là người dẫn dắt Tầm nhìn 2030 - một kế hoạch nhiều tham vọng cho hoàng gia Ả-rập Xê-út, với mục tiêu chuyển biến nền kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân.

Những người ủng hộ Mohammed bin Salman ca ngợi ông như một người có tầm nhìn, chăm chỉ và luôn sẵn sàng đương đầu với những thử thách với sự thẳng thắn phi thường. Các chương trình của ông, trong đó có việc tăng cường các cơ hội giải trí trong vương quốc, khiến ông được tới 2/3 dân số ủng hộ, trong đó đa số là những người dưới 30 tuổi.

Chính vì vậy, sự thay đổi nhanh chóng và bất thường trong ngôi hoàng tử kế vị của hoàng gia Ả-rập Xê-út không thể không khiến dư luận lo ngại và đặt ra những câu hỏi lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ