Quyên góp sách cũ cho học sinh nghèo, ý nghĩa vẫn còn mới

GD&TĐ - Dạy các em biết nâng niu sách, quý sách, ứng xử văn hóa với sách (dù là sách mới hay cũ) là một hành động nhân văn, ý nghĩa, có sức thuyết phục hơn trăm bài giáo huấn khô khan trong sách.

Ảnh minh họa. (theo Thời báo)
Ảnh minh họa. (theo Thời báo)

Vào dịp này năm ngoái, tôi nhận cuộc gọi từ Hằng - một học trò cũ hiện đang sống ở Hà Nội. “Ở quê mình còn nhiều em học sinh khó khăn, em muốn gửi tặng các em ấy mấy bộ sách giáo khoa cũ”. Tôi thật bất ngờ, cô học trò ngày xưa bây giờ khôn lớn trưởng thành.

Càng bất ngờ hơn, “món quà” ấy rất tươm tất. Sách cũ mà còn sạch sẽ lắm, không trang nào có vết mực, quăn bìa, long gáy, bìa lại còn được bọc bằng bao bóng ni-lông phẳng lỳ. Tất cả là 10 bộ, từ lớp 9 đến lớp 12, mỗi bộ hơn 20 quyển, gồm sách giáo khoa và sách tham khảo.

Tôi gửi email cảm ơn em và hỏi rằng những “bộ sách cũ” ấy từ đâu ra mà mới như vậy. Được biết sách ấy là của các cháu trong nhà chồng em và bạn của chúng. Em kể: “Từ mấy năm gia đình nhà chồng em có “phong trào” góp sách cũ tặng học sinh nghèo. Cháu nào cũng có ý thức giữ gìn sách cẩn thận để cuối năm học đem tặng cho bạn nghèo miền Trung. Các cháu còn biết “vận động” các bạn thân của mình làm theo nữa”.

Giản dị nhưng rất tuyệt vời ! Đúng là một gia đình có nền nếp gia phong. Từ nhỏ các em đã được gieo hạt giống thiện, được giáo dục ý thức giúp đỡ bạn nghèo, đồng thời có ý thức rèn luyện kiên trì, cẩn thận. Giữ gìn được một bộ sách tươm tất, không một vết bẩn, không quăn góc trong suốt một năm học ở tuổi hiếu động của các em không phải là điều đơn giản.

Tôi chọn 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất, trao cho các em và không quên bảo các em viết thư cảm ơn gia đình Hằng. Trong thư có một em viết: “Em quá vui vì món quà bất bất ngờ của anh chị từ Hà Nội gửi tặng. Ba mẹ em đang đau đầu vì chưa có tiền mua 2 bộ sách cho 2 anh em. Giờ thì em có sách rồi, ba mẹ chỉ cần lo 1 bộ cho em của em thôi”. Một em khác thì “Sách cũ mà không cũ, rất sạch sẽ và có nhiều cuốn sách tham khảo rất hay. Bạn của em đi tìm mua những cuốn đó nhưng ngoài hiệu sách không có”.

Thì ra trong những cuốn sách cũ đó, có nhiều cuốn sách hay mà ở những huyện, xã vùng nông thôn, miền núi không có bán. Với những gia đình nghèo, có một bộ sách cũ cho con cũng đỡ một phần lo toang trước thềm năm học mới.

Quyên góp sách giáo khoa, sách tham khảo cũ cho học sinh nghèo là câu chuyện cũ nhưng ý nghĩa còn rất mới. Hội khuyến học các trường, nhất là các trường thành phố cần phát động và nhân rộng phong trào này. Phong trào nằm trong “tầm tay” các em, trực quan, cụ thể, không cần huy động tiền phụ huynh đóng góp.

Tôi thấy phong trào “kế hoạch nhỏ” thu gom giấy vụn trong học sinh, có nhiều bộ sách cũ đem đi cân giấy vụn. Dạy các em biết nâng niu sách, quý sách, ứng xử văn hóa với sách (dù là sách mới hay cũ) là một hành động nhân văn, ý nghĩa, có sức thuyết phục hơn trăm bài giáo huấn khô khan trong sách.                                                                                      

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ