Sách cũ và cuộc chơi mới

GD&TĐ - Thị trường sách cũ đã có lúc tưởng chừng như trở thành một phần của lịch sử khi các nhà sách cũ lần lượt đóng cửa thì sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin hiện đại đã làm thay đổi thực sự “đời sống” của từng trang sách. 

Sách cũ và cuộc chơi mới

Việc mua bán sách cũ qua mạng lại được giới trẻ yêu thích, góp phần thay đổi diện mạo của thực trạng văn hóa đọc đang trong tình trạng “ngủ đông”.

Mua bán sách cũ online

Gần đây, những tiệm sách cũ online ra đời rầm rộ và trở thành cầu nối cho những người trẻ muốn tìm mua sách. Ở đó các bạn trẻ không những mua được sách với giá rất sinh viên mà còn có dịp để giao lưu, trao đổi sách cũ cho nhau.

Vừa qua, tại Hà Nội, một bạn trẻ đã tổ chức chương trình trao đổi thông tin, mua bán sách cũ qua mạng Internet. Bạn Thùy Dương – chủ nhân sáng lập trang “LIRE, sách tìm bạn” cho biết, để kết nối thông tin thanh lý sách cũ, ban đầu em rao bán từng quyển sách thông qua Facebook nhưng nhu cầu người mua lẫn người bán tăng lên, vì thế em đã tổ chức buổi offline bán sách.

Hầu hết mọi người hiện nay mua một cuốn sách, đọc xong và cất chúng trên giá sách mà không bao giờ động đến lần thứ hai. Hiểu rõ giá trị của sách thì việc không sử dụng lại những quyển sách cũ là sự một sự lãng phí rất lớn.

Có thể nói, nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, kinh doanh sách cũ trực tuyến đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Nó không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho những người dám khởi nghiệp mà còn tạo cơ hội cho những người có thu nhập thấp, sinh viên, người lớn tuổi có cơ hội đọc những cuốn sách hay mà giá thành thấp.

Truyền lửa văn hóa đọc

Hiện nay, có một số website, fanpage khá nổi tiếng như: Sách cũ xưa nay, Sách cũ Sài Gòn, Booksale, Ai sách cũ đơi, Sách cũ Hà thành, sachxua.net, phomuaban.vn… Mục đích bán sách của họ là muốn tạo cơ hội và cầu nối cho những cuốn sách tốt gặp được những người cần sách, yêu sách.

Không chỉ hoạt động trên mạng Facebook, các cửa hàng sách cũ cũng tổ chức các buổi offline ở các địa điểm cụ thể để những người yêu sách có thể giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ sở thích với nhau.

Bạn Nguyễn Thị Hợi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Sách cũ không chỉ có giá rẻ hơn so với sách mới mà còn giúp những sinh viên như mình tiết kiệm hơn. Em thích đọc sách văn học, có lần vào Facebook, vô tình tìm được cuốn sách hay mà em không có tiền để mua sách mới nên em đặt mua luôn. Sách tuy cũ nhưng chất lượng thì khỏi chê, những kiến thức trong đó thì không bao giờ cũ với bạn khi bạn chưa biết nhé”.

Bạn Nguyễn Vân Anh (sinh viên khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, các loại giáo trình về luật của bạn khá mắc, đôi lúc lên đến mấy trăm một cuốn, do đó bạn thường đi dạo các nhà sách cũ hoặc các trang thanh lý sách cũ để tìm giáo trình thay vì mua mới. Các nhà sách cũ có thể được coi là phương tiện luân chuyển qua các thế hệ học sinh, sinh viên. Có bạn tìm đến để mua sách, sau khi học xong lại tiếp tục bán lại cho nhà sách ấy. Vậy là các bạn lớp sau lại có thể tìm thấy cuốn sách mình cần. Cứ như vậy, những cuốn sách trở thành bạn của không biết bao cô cậu học trò, sinh viên.

Dù những buổi “offline” hay những phiên giao dịch tại chợ sách “ảo” còn mang tính cá nhân nhưng những gì nó mang lại cũng đủ khiến chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai mới cho sách cũ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ