Quy tắc ứng xử trong trường học: Gốc rễ là giáo dục đạo đức

GD&TĐ - Một số bộ quy tắc ứng xử của trường đại học gây ra tranh cãi trái chiều, người đồng tình, người bày tỏ ý kiến khắt khe.

Sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM. Ảnh: ITN

Các chuyên gia cho rằng, gốc rễ của ứng xử văn minh là giáo dục đạo đức.

Cấm ghi âm, ghi hình khi chưa xin phép

Mới đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố bộ quy tắc ứng xử “Người Nhân văn” áp dụng cho người học, viên chức, người lao động của trường. Bộ quy tắc quy định về trang phục, tác phong nơi làm việc và học tập; ứng xử trong quá trình làm việc, học tập, rèn luyện tại trường, trên không gian mạng, tại nơi công cộng, cư trú. Đáng chú ý, quy định ứng xử trong quá trình làm việc và học tập tại trường có nội dung: Không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý của họ.

Sau khi được công bố rộng rãi đến viên chức và sinh viên toàn trường, bộ quy tắc ứng xử nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số giảng viên, sinh viên cho rằng, nhà trường ban hành bộ quy tắc ứng xử là cần thiết, giúp viên chức, người lao động, sinh viên hiểu rõ và thực hiện đúng quy định, quy tắc ứng xử và xây dựng văn hóa học đường. Việc này cũng đề cao trách nhiệm của các bên khi tham gia học tập, làm việc tại trường.

Song, nhiều sinh viên cho rằng, quy định này thể hiện sự khắt khe không cần thiết, có thể gây ra hiểu lầm trong thực thi. “Chẳng lẽ trong lớp học, sinh viên muốn ghi âm bài giảng hoặc chụp bài giảng của giảng viên cũng phải xin phép? Ai cũng xin phép thì rất phiền cho cả người dạy lẫn người học. Chưa kể, có nhiều khoảnh khắc kỷ niệm lớp học, nhà trường cần lưu giữ mà nếu phải xin phép người được chụp ảnh thì mất hết ý nghĩa”, T.Đ.K, sinh viên năm 3 của trường nêu quan điểm.

Một nữ sinh khác cho rằng: “Vừa qua, nhiều vụ việc tiêu cực trong trường lớp được phát hiện, xử lý triệt để nhờ các video của người học. Nếu cấm quay phim, chụp hình khi chưa được sự đồng ý, liệu có làm mất một công cụ giám sát của người học?”.

ThS Nguyễn Thảo Chi - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường cho biết, đây là lần đầu tiên nhà trường xây dựng và công bố bộ quy tắc ứng xử mang tên “Người Nhân văn”. Bộ quy tắc ứng xử tồn tại song song với nội quy nhà trường, quy chế công tác sinh viên…

Mục đích của bộ quy tắc là xây dựng hình ảnh văn minh, thái độ ứng xử chuẩn mực của cán bộ, giảng viên, người học của trường; xây dựng văn hóa công sở, học đường và môi trường giáo dục lành mạnh.

Theo bà Chi, quy định “không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý” của nhà trường dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Quy định này không hiểu một cách “khắt khe” là cấm tuyệt đối việc ghi hình, chụp ảnh. Trong các hội thảo, hoạt động chung của nhà trường… việc ghi hình vẫn có thể thực hiện. “Quy định đưa ra là có cơ sở để kiểm soát, xử lý các hành vi ứng xử tiêu cực phát sinh”, bà Chi giải thích.

Đây không phải lần đầu các bộ quy tắc ứng xử của trường đại học gây ra tranh cãi. Cách đây nhiều năm, bộ quy tắc ứng xử của người học Trường Đại học Tài chính - Marketing từng gây xôn xao trên nhiều diễn đàn. Theo đó, nhà trường quy định: “Nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng về nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường”.

Nhiều người ủng hộ quy định này vì cho rằng, việc nói xấu, tung tin giả đang diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng trên mạng xã hội. Song, một số ít người lo ngại việc tùy ý xử lý sinh viên, khi ranh giới giữa “nói xấu” và “phản ánh sự thật” ở nhiều trường hợp rất mong manh.

Sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Gốc rễ là nhận thức và giáo dục đạo đức

TS Nguyễn Hữu Long - giảng viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, quy tắc ứng xử sinh viên cần đảm bảo những nguyên tắc để vừa xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục lành mạnh, vừa không tạo sự “gò bó, khắt khe”. Theo đó, các quy tắc ứng xử cần có sự đồng thuận giữa nhà trường và sinh viên. Trước khi ban hành, nhà trường nên lấy ý kiến và thảo luận với sinh viên. Điều này vừa giúp họ hiểu quy tắc, vừa cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe.

Các quy tắc ứng xử của nhà trường ban hành cũng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nội quy phải vừa tạo ra nền nếp, kỷ cương, vừa đảm bảo sự thoải mái, không áp lực cho người học. Muốn làm được điều này, cần cân nhắc kỹ những quy định có thể gây ức chế với người thực hiện.

“Nội quy, quy định làm cho con người, môi trường sống tốt hơn nhưng cũng rất dễ gây ra những ức chế nếu người thực hiện cảm thấy cuộc sống của họ bị can thiệp, nặng hơn là bị xâm hại đến quyền cá nhân. Vì thế, phải cân nhắc, xem xét trước khi ban hành các quy định, quy chế”, TS Long nhấn mạnh.

Còn TS Trần Thị Rồi - giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, bộ quy tắc ứng xử, nội quy trường học của các trường đều bám sát quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Việc xây dựng quy tắc ứng xử sẽ giúp làm rõ những nguyên tắc cơ bản, định hướng hành vi, ứng xử của giảng viên, người học bằng những tiêu chuẩn đạo đức và các giá trị văn hóa.

Theo TS Rồi, gốc rễ của việc ứng xử văn minh, đúng mực trong mọi hoàn cảnh là bản thân người đó có đạo đức, nhận thức đúng đắn. Họ phải tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự suy thoái của con người, suy cho cùng cũng là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

“Do đó, muốn sinh viên có ứng xử đúng đắn, văn minh trong trường học, phải nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Giáo dục đạo đức ở đây không phải là lý thuyết suông mà phải có những bài học thực tế, được lồng ghép trong từng môn học, tiết học”, TS Rồi nói.

Vừa qua, Ký túc xá Bách khoa (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) đã chấm dứt hợp đồng thuê chỗ ở năm học 2023 - 2024 đối với một sinh viên vi phạm nội quy. Cụ thể, sinh viên này đã xem phim đồi trụy, vi phạm quy định về xử lý kỷ luật. Ký túc xá yêu cầu sinh viên thực hiện bàn giao tài sản cho cán bộ quản lý trước ngày 31/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ