Quỹ phát triển nhà thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cạn vốn

GD&TĐ -Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vừa có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM; Ngân hàng Chính sách Xã hội TP và Quỹ Phát triển nhà ở TP nhằm giám sát việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2021. Tại buổi làm việc, thực trạng nguồn vốn vay cạn kiệt một lần nữa lại được nêu ra.

Một cụm nhà ở xã hội tại quận Bình Tân, TPHCM.
Một cụm nhà ở xã hội tại quận Bình Tân, TPHCM.

Vốn được vay chưa đáp ứng giá mặt bằng bán

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Sổn – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội TPHCM - cho biết, tổng doanh số của chương trình cho vay nhà ở xã hội hiện đạt hơn 146 tỉ đồng, với 305 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đạt hơn 28 tỉ đồng, với 55 khách hàng, cho vay để mua, thuê mua nhà ở.

Đáng chú ý hiện nay, hạn mức vay cho xây mới, sửa chữa nhà ở chỉ nằm ở mức tối đa 500 triệu đồng của Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM hiện tại đang bộc lộ nhiều bất cập, gây ra nhiều vướng mắc cho người dân trong quá trình thế chấp tài sản vay vốn. Nhiều người phải tìm hướng vay khác.

Ông Bùi Văn Sổn bày tỏ quan ngại bởi nếu người dân phải thế chấp giấy tờ đất, mà vay được có 500 triệu thì nhiều người không muốn vay, do đó, họ thường lựa chọn tiếp cận vay từ các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng chia sẻ hiện nay 1 căn nhà ở TP cũng hơn 1 tỉ đồng, với mức vay thấp rất khó để người dân có thể tìm nguồn bù vào khoản đó.

“Mức vay 900 triệu đồng của quỹ, cán bộ công chức, viên chức đã thấy khó khăn khi mua nhà rồi, đằng này đối tượng người lao động chỉ được vay mức 500 triệu đồng thì càng khó hơn” - bà Tuyết nói.

Qua báo cáo từ các đơn vị cho thấy, nhu cầu được có nhà ở của người có thu nhập thấp, cán bộ công chức rất nhiều, nhưng thực tế đặt ra nguồn cung cho nhóm đối tượng này có nhiều hạn chế. Số lượng nhà ở xã hội được đưa ra thị trường không nhiều so với nhu cầu thực tế.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) và Sở Xây dựng TPHCM mới đây cũng cho thấy, phân khúc nhà ở bình dân (dưới 1,8 tỉ đồng/căn) gần như không còn tồn tại trên thị trường bất động sản TPHCM như một minh chứng lý giải rõ cho nguyên nhân vì sao người thu nhập thấp chưa mặn mà với nguồn lực tài chính vay từ Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM.

Báo cáo của Sở Xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy: Tại 17 dự án đủ điều kiện mở bán 9.456 căn nhà (860.205m2 sàn) thì căn hộ chung cư chiếm tới: 8.937 căn; diện tích sàn là 668.644m2. Nhà ở thấp tầng là 519 căn; diện tích sàn: 191.561m2, với tổng giá trị cần huy động vốn là 77.591 tỉ đồng. Phân khúc cao cấp là 7.577 căn, chiếm 80,13%; phân khúc trung cấp có 1.879 căn, chiếm 19,87%, còn phân khúc bình dân không có căn nào.

Tỉ lệ giải ngân thấp

Được biết, Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM là tổ chức tài chính được thành lập theo Quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 4/8/2004 và Quyết định số 3480/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 về bổ sung Quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 4/8/2004 về thành lập Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức và hoạt động theo Quyết định 128/2005/QĐ-UBND ngày 26/7/2005 của UBND TPHCM.

Quỹ có vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỉ đồng, hoạt động theo nguyên tắc hoàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là đơn vị thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng có thu nhập thấp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà ở theo quy định của UBND TPHCM.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Tấn Phát - đại diện Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM - cho biết: Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 17/5/2022, quỹ đã giải ngân cho 5.594 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, với tổng số tiền 2.842 tỉ đồng.

“Từ khi thành lập đến cuối năm 2021, tổng vốn điều lệ ngân sách cấp là hơn 1.600 tỉ đồng, số vốn điều lệ ngân sách cấp đã được quỹ sử dụng vào các mặt hoạt động là hơn 1.749 tỉ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ ngân sách cấp cho Quỹ Phát triển nhà ở TP còn thiếu là hơn 143 tỉ đồng” - đại diện Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM nói.

Để giải quyết bài toán thiếu nguồn vốn cho vay, trước đó tháng 2/2022, UBND TPHCM ban hành Quyết định về giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương. Cụ thể, phê duyệt vốn điều lệ bổ sung cho các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách là gần 800 tỉ đồng, trong đó Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM được phân bổ 274 tỉ đồng. Tuy vậy, tình trạng thiếu vốn và ngân sách vẫn tiếp tục xảy ra.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, hiện quỹ này có 2 dự án nhà ở xã hội triển khai. Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại số 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân được triển khai năm 2011 gồm 6 block chung cư cao 15 tầng, với 718 căn hộ. Tổng mức đầu tư 608 tỉ đồng. Đến cuối năm 2019 dự án hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, những người mua nhà tại dự án vẫn chưa được cấp sổ đỏ, xảy ra tình trạng khiếu nại, kiện cáo gây mất trật tự trên địa bàn.

Ông Phát cho biết, do nguồn quỹ hạn chế, nên cơ quan này chưa kiến nghị với UBND TP chấp thuận tổ chức lại hoạt động cho vay với các dự án nhà ở và các hoạt động khác hỗ trợ người có thu nhập thấp có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà. Bên cạnh đó, cũng chưa thể triển khai dự án nhà ở xã hội trên khu đất hơn 9.800m2 tại phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức.

Theo ông Sổn, hiện nay có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình triển khai cho vay của chương trình nhà ở xã hội tại ngân hàng. Trong đó mức vay lãi để xây mới, sửa chữa nhà ở tối đa 500 triệu đồng gây nhiều khó khăn khi tâm lý người dân thế chấp quyền sử dụng đất để mong muốn vay vốn cao hơn, nên nhiều người thường vay các ngân hàng thương mại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.