Quỹ phát triển nhà ở TPHCM: Cần tạo thêm lực đẩy để thu hút nhiều người hơn

GD&TĐ - Quỹ Phát triển nhà TPHCM (HOF) là “chiếc phao” cho không ít người trẻ thực hiện giấc mơ có một căn nhà ổn định cuộc sống.

Người thu nhập thấp tìm hiểu về nhà ở giá rẻ.
Người thu nhập thấp tìm hiểu về nhà ở giá rẻ.

Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân và tiếp cận vốn thời gian qua khá ít khiến nhiều người chưa có cơ hội sở hữu nhà. 

16 năm hơn 5.000 người được vay

Được khởi động từ năm 2006, Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM mang đến nhiều kỳ vọng cho người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu một căn nhà khi mức vay có lãi suất thấp - 4,7%/năm. Tuy nhiên, với hạn mức tối đa cho vay 500 triệu đồng (thời hạn vay 15 năm) chính sách trên nhanh chóng bị đánh giá là tụt hậu, bởi số tiền trên gần như rất khó để sở hữu một căn hộ tại TP.

Với chính sách tín dụng và hạn mức mới được UBND điều chỉnh vào năm 2019 (mức vay lên tới 900 triệu trong 20 năm) ít nhiều cơ hội sở hữu một căn nhà với người thu nhập thấp đã gần với thực tế hơn. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), giá nhà, đất tại TPHCM 5 năm trở lại đây đã tăng từ 30% - 50%.

Trong đó, giá chung cư tăng từ 10% - 15%/năm. Nguồn cung căn hộ giá rẻ đang thiếu hụt do ít doanh nghiệp tập trung vào mảng xây nhà cho người thu nhập thấp và thu nhập trung bình khiến lao động trẻ thu nhập thấp, người nhập cư gặp khó khi mua nhà.

“Thực tế cho thấy, để tìm được căn hộ chung cư có giá khoảng 1,5 tỉ đồng là không dễ. Còn nhà ở riêng lẻ, những căn có diện tích nhỏ, nằm sâu trong hẻm cũng phải vài tỉ đồng mới mua được. Giá nhà, đất tăng cao, nếu không nâng hạn mức hỗ trợ cho vay thì người lao động thu nhập thấp rất khó để sở hữu nhà. Mà thực tế với hạn mức cho vay như hiện nay thì người thu nhập thấp cũng cần phải có trong tay vài trăm triệu thì mới mong sở hữu được một căn hộ dạng vừa” - ông Châu nói.

Thống kê của HoREA từ năm 2006 đến nay, HOF đã thực hiện chương trình cho vay, tạo lập nhà ở với 5.087 khách hàng. Số tiền giải ngân đến nay là 2.403 tỉ đồng. Trong đó năm 2019 giải ngân được 339 tỉ đồng và năm 2020 đã giải ngân 440 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc HOF cho biết, hiện nay trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 200 - 300 tỉ đồng với khoảng 400 - 500 hồ sơ được xét duyệt cho vay. Năm 2018, giá nhà đất tăng cao, với mức cho vay tối đa 500 triệu đồng/căn thì người thu nhập thấp khó mua nhà hơn. Do đó, HOF chỉ giải ngân được khoảng 150 tỉ đồng. Năm 2020 khi chính sách và hạn mức vay tăng lên thì HOF giải ngân hơn 440 tỉ đồng. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì số lượng hồ sơ tiếp cận được duyệt vay vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng. 

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Theo quy định của HOF, đối tượng được tham gia gói vay lãi suất ưu đãi trên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, cơ quan hành chính - sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách TP; lực lượng vũ trang nhân dân TP gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ thuộc TP; cán bộ công đoàn chuyên trách, công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn thuộc tổ chức công đoàn TP; cán bộ, công chức và người lao động thuộc Cục Thuế TP.

Người vay phải có hộ khẩu thường trú TP, có thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị từ ba năm liên tục trở lên. Tại thời điểm vay, người vay tiền mua nhà không đứng tên sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất; bản thân cũng như vợ/chồng người vay chưa từng được Nhà nước giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở… Ngoài ra, người vay phải có khả năng tài chính trả trước 30% tiền mua căn hộ hoặc nhà dự định mua. Có khả năng trả nợ, thế chấp bằng chính căn hộ, nhà mà người vay sẽ mua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc HOF, để được vay mức tối đa 900 triệu đồng thì đầu tiên người vay phải thuộc đối tượng được vay theo quy định. Thứ hai là thu nhập của họ đủ khả năng trả nợ mức 900 triệu đồng.

Thứ ba là tài sản của họ mua phải có 70% tổng trị giá căn nhà là 900 triệu đồng (trên 1,2 tỉ đồng). Thực tế, trường hợp mua nhà mà 70% tổng trị giá căn nhà chỉ khoảng 500 - 700 triệu đồng thì họ cũng sẽ được giải ngân mức vay này. Tuy nhiên, rào cản đến từ hạn mức 30% số tiền cần phải có ban đầu cũng khá nhiều.

“Thực tế, những người đủ điều kiện cũng không thể vay. Vì với mức 900 triệu đồng, họ không có khả năng kiếm thêm một khoản tiền gấp đôi để mua nhà. Mặt khác, nhiều người có thể có khoản tích lũy ban đầu nhưng thu nhập lại không đảm bảo khả năng trả góp hàng tháng nên họ rút lui” - ông Thạch cho biết.

Là người có trong danh sách hồ sơ được duyệt vay năm 2020, chị Nguyễn Thị Thu Thanh, giáo viên Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân TPHCM nhìn nhận: Hạn mức vay thấp cùng sự bế tắc trong việc xoay xở khoản tiền chênh lệch để bù đắp vào khi mua nhà là rào cản rất lớn với không ít người tìm hiểu gói vay ưu đãi này.

Chị Thanh cho biết, bản thân chị tìm hiểu gói vay ưu đãi mua nhà tại HOF từ rất lâu. Tuy nhiên, trước năm 2019, mức tối đa được vay chỉ là 500 triệu đồng nên chị không thể xoay thêm được khoản tiền 700 triệu đồng nên đành tiếp tục ở nhà thuê.

“Năm 2019, khi biết được gói vay đã được nâng lên 900 triệu đồng tôi rất mừng. Với thu nhập của cả hai vợ chồng thì tôi hoàn toàn có khả năng chi trả mỗi tháng khoảng 7,3 - 8,4 triệu đồng/tháng cho HOF theo tính toán của cán bộ tín dụng” - chị Thanh nói.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chính sách hỗ trợ tín dụng cho vay tạo lập nhà ở của TPHCM là rất tốt (lãi suất, thời gian vay cao hơn cả chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay).

Tuy nhiên, mặt hạn chế của chính sách này là độ bao phủ còn thấp, hơn 16 năm mới có 5.087 người, tương đương gần 1% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công đoàn của TP được hỗ trợ tín dụng cho vay mua nhà ở qua nhiều kênh khác.

“Những hạn chế trên buộc TP cần đánh giá lại chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hiện nay. Thực tế, hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam mang tính bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước là nhiều nên chưa phát huy được hiệu quả.

Nhà nước thì chắc chắn sẽ không đủ lực để bao cấp cho nhà ở xã hội. Vì vậy, những dự án nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ cần phải huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển bền vững” - ông Võ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ