TPHCM: Bế tắc trong phát triển quỹ nhà giá thấp

GD&TĐ - Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có mức độ đô thị hóa nhanh với khoảng 1 triệu dân cư đô thị mới gia tăng mỗi năm.

Một dự án NƠXH hoàn thành đúng tiến độ.
Một dự án NƠXH hoàn thành đúng tiến độ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, chưa tới 1% nhà ở giá thấp tung ra thị trường năm 2020. Nó cho thấy sự bế tắc trong phát triển quỹ nhà ở xã hội (NỞXH) tại các đô thị lớn. 

10 năm chỉ hoàn thành hơn 40% mục tiêu kế hoạch

Theo chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn NỞXH.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chương trình phát triển NỞXH tại khu vực đô thị cả nước đến tháng 9/2020 mới hoàn thành 249 dự án, hơn 104.200 căn, tổng diện tích 5,2 triệu m2, đạt 41,6%. 

Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 263 dự án, quy mô xây dựng 215.800 căn, với tổng diện tích gần 11 triệu m2. Đáng lưu ý, có 221 dự án chậm tiến độ hoặc phải dừng thi công.

Trong tổng số các dự án trên (khoảng 512 dự án), chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 138 dự án với 57.200 căn hộ. Đang tiếp tục triển khai 173 dự án với khoảng 128.500 căn hộ, tổng diện tích khoảng 6,42 triệu m2.

Riêng chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân tại các KCN, sau 10 năm đến nay đã hoàn thành 111 dự án với khoảng 47.000 căn hộ, tổng diện tích 2,35 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 91 dự án với 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4,52 triệu m2.

Tuy nhiên, sau khi gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã giải ngân hết (vào năm 2016) thì đầu năm 2017 đến nay, do Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để tiếp tục cho vay ưu đãi đối với NƠXH.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, những hạn chế từ chính sách phát triển, ngân sách chi cho đến quỹ đất… đã kiềm hãm sự phát triển của Quỹ NƠXH. Nó khiến cho mục tiêu đặt ra chưa hoàn thành được 50% kế hoạch.

Do đó, Bộ Xây dựng thời gian qua khuyến nghị cần thực hiện nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển NƠXH theo hướng giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước để phù hợp với tình hình hiện nay.

Việc bế tắc về tài chính cũng như hướng phát triển đã khiến không ít doanh nghiệp phải xin chủ trương chuyển đổi dự án NƠXH thành nhà ở thương mại nhằm bảo đảm dòng tiền.

Báo cáo của các địa phương với Bộ Xây dựng cho thấy, hiện cả nước có 206 dự án NỞXH đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công vì thiếu vốn.

Nhiều người dân ít tiền phải mua NƠXH nhưng lại mắc kẹt tại dự án Khu nhà ở xã hội Tân Bình Apartment vì mãi chưa được nhận nhà.
Nhiều người dân ít tiền phải mua NƠXH nhưng lại mắc kẹt tại dự án Khu nhà ở xã hội Tân Bình Apartment vì mãi chưa được nhận nhà.

Giải pháp nào để thúc đẩy phát triển NƠXH

Ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng chỉ ra 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến kết quả phát triển NƠXH chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Thứ nhất, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, KCN chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH. Chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH.

Thứ hai, do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi NƠXH. Trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng - chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của ngân hàng này.

“Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay vẫn chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án NƠXH không thể triển khai” – đại diện Bộ Xây dựng cho biết. 

Để khơi thông, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, không nên vì có một số bất cập mà bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT. Vì loại hình này rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án NỞXH.

“Thời gian qua HoREA đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022. Trong thời gian này, thực hiện việc rà soát, xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách thực hiện dự án BT, nhằm bịt kín các lỗ hổng, không để thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách Nhà nước.

Sau năm 2022, dùng hình thức BT sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án NƠXH. Chỉ trông chờ vào ngân sách thì rất khó để đi kịp với tốc độ gia tăng dân số tại đô thị như hiện nay”, ông Châu nói. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách. Dự kiến cuối quý II/2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong

Nghị định 49/2021/NĐ-CP, trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH, là một trong những vướng mắc lớn trong thời gian vừa qua. 

“Về nguồn vốn hỗ trợ cho vay dự án NƠXH, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí bổ sung khoảng 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng” - ông Sinh nói. 

Song song với việc bổ sung nguồn vốn khoảng 3.000 tỉ đồng nhằm thúc đẩy quỹ NƠXH bảo đảm đúng mục tiêu, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu các địa phương tổng rà soát các dự án nhà ở thương mại không dành 20% quỹ đất phát triển NƠXH  phải xử lý nghiêm khắc.

Ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị triển khai dự án, Bộ Xây dựng cũng sẽ cùng với các địa phương tìm kiếm các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhiều hơn trong việc phát triển phân khúc này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...