Quy Nhơn: Du lịch gián đoạn và đầy trắc trở

GD&TĐ - Thành phố biển Quy Nhơn vốn được xem là địa điểm du lịch đầy quyến rũ. Những dịch vụ du lịch đã mở ra vô số những cơ hội việc làm, giúp cho cuộc sống của người dân ở đây ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đã khiến cho mọi việc làm bị gián đoạn và khó khăn trắc trở…

Anh Bùi Ngọc Quang trầm tư bên chiếc thuyền thúng làm dịch vụ ngắm san hô.
Anh Bùi Ngọc Quang trầm tư bên chiếc thuyền thúng làm dịch vụ ngắm san hô.

Ngắm san hô và nỗi buồn thất nghiệp

Ngắm rạn san hô ở khu vực bãi Kỳ Co là một trải nghiệm mà hầu hết du khách đều rất thích thú. Ở đây, các nhân viên phục vụ sẽ hướng dẫn du khách đeo kính bơi và ống thở, và sau đó… úp mặt xuống nước.

Từ năm 2019, một dịch vụ mới ra đời để phục vụ cho những du khách không muốn bơi, lặn mà vẫn có thể thoải mái ngắm rạn san hô, từ trên chiếc thuyền thúng làm bằng composite có đáy được gắn kính trong suốt. Chiếc thuyền thúng này có thể phục vụ cùng một lúc 6 người cho một tour chừng 30 phút, giá dịch vụ là 50.000 đồng cho một người một lượt, công việc có vẻ rất suôn sẻ và hấp dẫn, nếu như không có Covid-19.

Bùi Ngọc Quang, 30 tuổi, là nhân viên làm dịch vụ này cho biết, thời điểm trước dịch Covid-19 mỗi tháng công việc này cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, bởi lượng khách du lịch rất đông.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay khách du lịch gần như vắng bóng nên công việc rất khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập hàng ngày.

Kể về cuộc sống của mình, Quang chia sẻ: “Gia đình tôi còn nhiều khó khăn, chỉ có mẹ già và hai anh em sống trong căn nhà chừng 18 mét vuông ở xã Nhơn Lý.

Trước đây, tôi chỉ học hết lớp 9 rồi đi biển, vì đánh bắt gần bờ nên mỗi chuyến đi chỉ từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, tuy nhiên công việc này cũng rất vất vả, thường có khoảng 10 người trên một tàu và được chia thu nhập theo năng suất đánh bắt.

Trung bình mỗi chuyến được 200 - 300 nghìn đồng, thỉnh thoảng lắm mới có chuyến may mắn thì được khoảng 1 triệu đồng, nhưng cũng không ít chuyến về tay trắng”.

Công việc không ổn định, Quang vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân may, hơn 6 năm trời vật lộn với cuộc sống mà chẳng khá hơn, nên đành quay về quê và tìm kiếm được công việc như hiện nay.

Thế nhưng khi vừa ổn định được đôi chút thì dịch Covid-19 ập đến, mất việc làm, không có thu nhập, lại phải vay mượn để duy trì cuộc sống, thỉnh thoảng có chút việc làm được đôi chút thu nhập thì lại phải trả tiền vay.

Cậu em trai của Quang thì cũng chẳng khá hơn, đi làm phụ hồ, công việc không ổn định và thu nhập thấp. Trong khi mẹ già trước đây vốn là lao động tự do nên giờ đây cũng không có chế độ hưu trí, trợ cấp gì.

Gia đình, dù có hai anh em đang độ tuổi thanh niên khỏe mạnh, nhưng thiếu việc làm đã trở thành nỗi ám ảnh của Quang và cậu em trai. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của Quang là một công việc ổn định để có thể bảo đảm cuộc sống của mình và gia đình.

Thúc đẩy hỗ trợ phục hồi việc làm

Trong trường hợp của người lao động khác, với một tài xế taxi có tên là Phước ở TP Quy Nhơn, thì công việc cũng gần như bị đình trệ hoàn toàn, anh Phước cho biết: “Từ tháng 2 - 9 là thời điểm du lịch, thế nhưng năm nay dịch Covid-19 đã khiến cho rất nhiều lái xe phải nghỉ việc. Qua tháng 9, Quy Nhơn bước vào mùa mưa, như vậy các tài xế sẽ tiếp tục phải nghỉ việc ít nhất là cho đến hết năm nay. 

Không chỉ có tài xế, rất nhiều lao động khác trong lĩnh vực du lịch và lưu trú cũng sẽ phải nghỉ việc dài dài, mà chưa biết lúc nào có thể đi làm trở lại. Muốn tìm kiếm một công việc khác thì cũng không hề dễ dàng, khi hàng loạt các doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng thoi thóp, cầm cự…”.

Trong những năm trở lại đây, Bình Định đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch với mức tăng trưởng bình quân gần 17%/năm. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới dịch vụ du lịch tại địa phương, thời gian này, Bình Định chỉ đón khoảng 1,1 triệu khách du lịch. 

Được biết mới đây, sau thời gian giãn cách xã hội, Bình Định đã tổ chức phát động Chương trình kích cầu du lịch đợt 2 năm 2020 nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực cho khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, một vấn đề chính sách cũng rất cần được quan tâm và ưu tiên là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, đặc biệt hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức trong các ngành dịch vụ, du lịch, tạo điều kiện để họ có thể quay trở lại thị trường lao động, có việc làm ổn định trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.