Quy hoạch, sắp xếp các trường sư phạm: Vấn đề cấp thiết

GD&TĐ - Chất lượng giáo viên là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trường và ngành Giáo dục. Trong quá trình hoạt động và phát triển, đến nay việc đào tạo giáo viên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và các nhà giáo dục, cần thiết phải có sự quy hoạch, sắp xếp lại việc đào tạo sư phạm ở các nhà trường cho phù hợp với xu thế và thời đại.

Thi năng khiếu vào Trường CĐSP Trung ương.
Thi năng khiếu vào Trường CĐSP Trung ương.

Cần có quy hoạch, sắp xếp lại

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trên cả nước đang có 113 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 14 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên (ĐTGV), 30 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), 19 trường cao đẳng đa ngành có ĐTGV và 2 trường trung cấp sư phạm. Cùng với đó là 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.

Hoạt động ĐTGV của những cơ sở này thời gian qua đã đáp ứng tốt các nhiệm vụ từ đào tạo cho đến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô các cơ sở ĐTGV đến nay đã bộc lộ những hạn chế, không khỏi có những tác động ngược, ảnh hưởng đến chất lượng và quy hoạch chung.

 Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đã yêu cầu: “Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo”. Nghị quyết số 19- NQ/TW cũng chỉ rõ: “Đối với giáo dục đại học… không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục”. Các Nghị quyết đều nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ĐTGV và vai trò của các trường sư phạm. 
NGND Lưu Xuân Giới (Đông Triều, Quảng Ninh) 

Nhiều chuyên gia và các nhà giáo dục đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất là việc phân bố các cơ sở ĐTGV quá dàn trải, phân tán và nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy có nhiều cơ sở trên cùng một địa bàn bị trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ, dẫn đến cạnh tranh nhau về người học và lãng phí nguồn lực do thu hẹp quy mô đào tạo.

Bên cạnh đó, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, thiếu dự báo nguồn sử dụng từ các địa phương nên dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường làm không đúng ngành hoặc không tìm được việc làm. Đây cũng được coi là căn nguyên chính dẫn đến các trường khó thu hút được học sinh giỏi, có năng lực phù hợp vào học các trường sư phạm.

Giờ lên lớp của cô trò Trường THCS Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định
 Giờ lên lớp của cô trò Trường THCS Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định

Huy động các nguồn lực

Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo giáo viên là mối quan hệ tương hỗ. Nếu chất lượng đội ngũ không bảo đảm thì khó có thể nói đến nâng chất lượng giáo dục. Những năm gần đây, việc đào tạo giáo viên phổ thông ở một số trường sư phạm đã có những đổi thay tích cực. Nhưng theo các chuyên gia giáo dục, thì vẫn là chu trình “khép kín” trong hệ thống các trường sư phạm.

Thời gian qua Bộ GD&ĐT cho phép một số trường mở các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để bổ sung đội ngũ giáo viên từ các nguồn khác. Số này không nhiều, nguồn cung cho các nhà trường vẫn chủ yếu từ các trường sư phạm. Nếu phát huy được nguồn lực từ các trường đào tạo đa ngành khác sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo viên hơn, tính cạnh tranh cao hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đầu tư nâng cấp một số trường đại học sư phạm trọng điểm để làm chỗ dựa cho việc phát triển khoa học giáo dục, cũng như xây dựng các khoa hoặc bộ môn sư phạm ở các trường đại học đa ngành và đại học kỹ thuật để góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường phổ thông và các trường dạy nghề.

Chia sẻ điều này, NGƯT Vũ Liên Oanh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Đây là quan điểm hoàn toàn hợp lý vì nếu chúng ta tạo được một hệ thống mở trong đào tạo giáo viên sẽ ít nhiều giúp nghề sư phạm rộng cửa, trở nên hấp dẫn hơn và hơn thế, thu hút được các cử nhân ngoài sư phạm. Tất nhiên, việc phải qua một khóa đào tạo sư phạm là phải có. Nhưng thu hút nguồn lực chất lượng ngoài trường sư phạm chắc chắn sẽ giúp giải được bài toán nâng cao chất lượng giáo viên trong các nhà trường phổ thông.

Khẳng định sự cần thiết phải linh hoạt trong đào tạo, NGƯT Đặng Lộc Thọ, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho rằng: Nhân lực ngành sư phạm có những đặc thù so với các ngành nghề khác. Thực tế cho thấy việc đào tạo giáo viên theo phương thức truyền thống (mô hình khép kín) có một số hạn chế. Theo mô hình đào tạo này, khi thừa giáo viên thì sẽ rất khó giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp; nó cũng bộc lộ hạn chế là các trường đại học sẽ gặp khó khăn khi có hiện tượng thừa giáo viên.

Áp lực nghề và đào tạo chất lượng giáo viên sẽ ngày càng cao. Từ ngày 1/1/2021 giáo viên sẽ không còn các loại phụ cấp mà chỉ được hưởng lương như viên chức khác. Các trường sư phạm sẽ lại thêm áp lực về nguồn tuyển sinh giảm theo cùng sức hấp dẫn của nghề. Việc sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các trường CĐSP có thể sáp nhập trở thành một phân hiệu của trường đại học đa ngành ở các địa phương. Chỉ có cách này mới giúp cho các trường mở rộng được quy mô và tăng nguồn tuyển. Việc chuyển đổi mục đích đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề sẽ giúp những trường này ổn định và sẵn sàng tâm thế để thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Vì lúc đó sẽ rất ít người học lựa chọn ngành sư phạm, trường sẽ thiếu hụt nguồn tuyển dụng. Bàn về giải pháp cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, nên theo mô hình nối tiếp gồm giai đoạn đào tạo về khoa học cơ bản, chuyên ngành và sau đó là giai đoạn đào tạo nghề sư phạm. Mô hình này có thể áp dụng với sinh viên học ngành sư phạm và các ngành khác nhưng có nhu cầu được đào tạo nghề sư phạm. Đây được coi là cách để các trường sư phạm thích ứng cao với nhu cầu và sự đa dạng hóa nghề nghiệp trong xã hội.

Thay đổi trong tuyển dụng

NGND Lưu Xuân Giới cho rằng: Thực tế đang cho thấy nếu không có những đổi thay mạnh mẽ thì các trường sư phạm khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Những năm gần đây, có không ít lời ca thán về việc các trường sư phạm không hút được nhiều sinh viên giỏi. Phần lớn các địa phương đã hết chỉ tiêu biên chế nhận giáo viên nên ngành học này ít có người đăng ký theo học. Đây là ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, nguy cơ phải ngừng việc đào tạo giáo viên ở một số trường sư phạm hiện hữu vì không có nguồn tuyển.

Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi thay đổi quan niệm các nhà quản lý, hoạch định chính sách và từ chính các nhà trường. Các trường sư phạm không nhất thiết chỉ đào tạo giáo viên phổ thông và ngược lại tuyển chọn giáo viên phổ thông cũng không nên bắt buộc phải qua học trường sư phạm. Việc tuyển dụng giáo viên cần phải trả về cho ngành GD chủ trì thực hiện, có thể mới chủ động được biên chế cho cả hệ thống..

Lý giải những khó khăn của các trường sư phạm, nhiều ý kiến cho rằng có cả khách quan lẫn chủ quan. Khách quan do bản thân các nhà trường, nhưng chủ quan do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ. Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT.

Nhưng cơ quan này lại không phải là đơn vị có quyền quyết định về tuyển dụng mà lại là cơ quan nội vụ. Điều này lý giải vì sao ngành GD-ĐT hoàn toàn không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Và lại càng khó khăn hơn nữa khi nhiều địa phương thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế. Ngành GD rất đặc thù nhưng vẫn bị tinh giản như các ngành nghề khác.

Với mô hình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, cùng với cách thức tuyển dụng như hiện nay sẽ khó giải quyết được bài toàn thừa thiếu giáo viên cũng như không tạo ra được tính ổn định cho nhân lực ngành sư phạm. Thừa thiếu giáo viên và vai trò của các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên cho thấy cần có những chính sách đối với công tác này như vấn đề tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng.

Thực tế cho thấy, ngoài các trường đại học sư phạm và các trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm, mỗi địa phương hiện nay đều có trường cao đẳng sư phạm và vẫn được giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Nhưng vấn đề ở chỗ thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì yêu cầu chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học. Một số trường nhanh chóng chuyển sang liên kết đào tạo đại học, còn bậc cao đẳng chỉ đào tạo chủ yếu ngành học mầm non.

Thực tế cho đến nay, một số địa phương mở được trường đại học đa ngành nên đã chủ động sát nhập trường CĐSP thành khoa sư phạm mạnh. Như Trường Đại học Trà Vinh đã sát nhập Trường CĐSP vào thành khoa sư phạm và đến nay trở thành một đơn vị đào tạo mạnh, uy tín, chất lượng. Nhưng số trường làm được như Trường Đại học Trà Vinh là không nhiều, phần lớn số phận của các trường CĐSP trên cả nước đang rơi vào bế tắc do không có nguồn tuyển. Trường CĐSP Nam Định là một ví dụ. Khoa Tự nhiên năm học 2018 - 2019 hiện có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên. Cũng như vậy, có những lớp sĩ số quá ít sinh viên như lớp Toán - Tin K39 có 7 SV; lớp Toán - Tin K40 có 3 SV, lớp Giáo dục thể chất K40 chỉ có 2 SV. Hay ở khoa Xã hội: Lớp Văn - Giáo dục công dân K39 có 5 SV; Lớp Văn - Giáo dục công dân K40 có 2 SV; Lớp Âm nhạc chỉ có 1SV. Có những ngành nhiều năm nay số lượng SV theo học rất ít như Toán - Tin, Văn - Giáo dục công dân, Âm nhạc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ