Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: Nên hay không?

GD&TĐ - Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong phiên làm việc chiều 28/10 – kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - chiều 28/10
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - chiều 28/10

Cần thiết thành lập Quỹ

Nhất trí với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) nhấn mạnh, Quỹ này hết sức cần thiết. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ đầu tư cho các tài năng trẻ, nâng cao chất lượng các tác phẩm điện ảnh, qua đó xúc tiến quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thông qua các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao được giới thiệu, phổ biến đến khán giả nước ngoài qua các đợt liên hoan phim quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế đặt hàng sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước chưa bao gồm sản xuất các loại phim nghệ thuật, phim đầu tay của các tài năng mới; vì vậy, Quỹ này sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tài năng, sáng tạo, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật.

Qua đó, tạo ra sự hài hòa, phát triển các dòng phim của Việt Nam. Sản xuất phim là một lĩnh vực có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên, việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp nhiều khó khăn, nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt, các phim nghệ thuật.

Cũng theo đại biểu đoàn Nghệ An, Quỹ này còn có nhiệm vụ hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ với các nhà sản xuất phim. Thời gian qua, nhờ chính sách mở cửa, bằng các quy định thông thoáng của pháp luật, các đơn vị phát hành phim tại Việt Nam đã thu lợi nhuận lớn.

Nhưng, đa số lợi nhuận chủ yếu từ việc chiếu phim nước ngoài. Ngoài đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ tái đầu tư, đóng góp lợi nhuận cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Vì vậy, Quỹ này cần được thành lập để thúc đẩy những quy định phù hợp về việc đóng góp tài chính từ doanh thu của doanh nghiệp phát hành phổ biến phim để góp phần thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển.

Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An)
Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hoá) đề nghị cân nhắc Điều 43 dự thảo luật quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đại biểu viện dẫn: luật hiện hành quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng 10 năm qua không triển khai thực hiện được. Ngoài ra, nội dung chi quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Nếu thành lập quỹ thì Chính phủ vẫn phải cung cấp vốn điều lệ trong khi chưa có khả năng huy động quỹ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị không đưa vào luật nội dung này. Vì trong thực tiễn, có rất nhiều luật quy định thành lập các quỹ phát triển, nhưng do điều kiện về ngân sách không đảm bảo nên không thành lập được. Như vậy nội dung này khó khả thi trong thực tiễn, mặc dù mục đích, ý nghĩa rất là tốt.

Tiếp thu giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng – cho hay: nhiều quốc gia đều áp dụng quỹ, ngay cả những nước có nền điện ảnh phát triển. Vì vậy, mong đại biểu Quốc hội xem xét để cân nhắc.  “Chúng tôi nghĩ rằng, phải có quỹ thì mới có điều kiện để hỗ trợ và các đối tượng hưởng quỹ này nó khác với vấn đề đầu tư của Nhà nước” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.