Quy định về tinh giản biên chế (Nghị định số 29)

GD&TĐ - Độc giả hỏi về quy định tinh giản biên chế của Nghị định số 29/2023/NĐ-CP.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tôi sinh tháng 10/1971, là nhân viên bảo vệ trường học. Theo cách tính tuổi nghỉ hưu tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, tôi sẽ nghỉ hưu vào tháng 11/2029. Xin hỏi, nếu tôi muốn nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP thì có nhất thiết phải nghỉ hưu tại 2 mốc thời gian cố định là trước tối đa 5 năm và tối thiểu 2 năm không, hay tôi có thể nghỉ bất cứ thời gian nào trong khoảng thời gian trên Nguyễn Công Thế (congthe***@gmail.com)

* Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (Nghị định số 29), đối tượng tinh giản biên chế phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Để các trường hợp tinh giản biên chế được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP thì ngoài đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH bắt buộc từ 20 năm trở lên, còn phải có tuổi đời thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Nguyên tắc tinh giản biên chế được áp dụng Điều 3 Nghị định số 29. Cụ thể: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật. Bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

Đối tượng tinh giản biên chế nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp.

Bạn cần căn cứ vào quy định nêu trên, để xác định điều kiện, đối tượng, chính sách tinh giản biên chế và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.