Quy định về chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo GD nghề nghiệp

GD&TĐ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của giáo viên giáo dục nghề nghiệp và Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Quy định về chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo GD nghề nghiệp

3 Tiêu chí năng lực

Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định rõ những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trên 3 tiêu chí: Năng lực chuyên môn; Năng lực sư phạm và Năng lực phát triển nghề nghiệp.

Đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, có 3 tiêu chí, 14 tiêu chuẩn, 36 chỉ số; nhà giáo dạy lý thuyết, thực hành trình độ trung cấp, cao đẳng có 3 tiêu chí, 15 tiêu chuẩn, 42 chỉ số; nhà giáo dạy tích hợp trình độ trung cấp, cao đẳng có 3 tiêu chí, 15 tiêu chuẩn, 44 chỉ số. Trong đó, về năng lực chuyên môn, tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp yêu cầu có trình độ ngoại ngữ Bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ GD&ĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên; đọc và hiểu một số thuật ngữ chuyên ngành phục vụ công tác giảng dạy. Nhà giáo dạy trình độ trung cấp và cao đẳng phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 2 (A2). Đồng thời, nhà giáo dạy trình độ trung cấp phải đọc, hiểu tài liệu chuyên ngành phục vụ công tác giảng dạy; nhà giáo dạy trình độ cao đẳng bên cạnh việc đọc, hiểu tài liệu chuyên ngành phục vụ công tác giảng dạy còn phải mô tả được một số công việc cơ bản của ngành, nghề được phân công giảng dạy.

Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ tin học đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương trở lên. Sử dụng được phần mềm dạy học chuyên ngành để thiết kế bài giảng, tài liệu giảng dạy. Các chỉ số trên sẽ được dùng làm căn cứ đánh giá, xếp loại nhà giáo. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp sẽ được xếp loại: Không đạt chuẩn hoặc đạt chuẩn. Đối với nhà giáo đạt chuẩn sẽ được phân 3 loại: A, B và C.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Thời gian giảng dạy và làm việc

Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH áp dụng đối với nhà giáo, công chức, viên chức quản lý tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Theo Thông tư, thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ: 1 giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; 1 giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; 1 giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn. Lớp học lý thuyết không quá 35 học sinh, sinh viên. Lớp học thực hành không quá 18 học sinh, sinh viên đối với nghề bình thường; không quá 10 học sinh, sinh viên đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo Danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành).

Thời gian làm việc của giáo viên dạy cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 44 tuần/năm học, trong đó, giảng dạy và giáo dục học sinh, sinh viên 32 tuần đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 36 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề...

Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên là 8 tuần, bao gồm: Nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ các ngày lễ. Giáo viên hoàn thành nhiệm vụ được giao được nghỉ 8 tuần. Giáo viên, cán bộ làm công tác quản lý học sinh, sinh viên được nghỉ như giáo viên. Cán bộ quản lý có tham gia giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và tiêu chuẩn giờ giảng được nghỉ 6 tuần. Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 380 - 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; Từ 430 - 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp; Từ 500 - 580 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng cho phù hợp trong năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ