Quy định khung biên chế tối thiểu của Sở, Phòng GD-ĐT

Quy định khung biên chế tối thiểu của Sở, Phòng GD-ĐT

(GD&TĐ)- Sở GD-ĐT các tỉnh có quy mô dân số dưới 2 triệu người, được bố trí tối thiểu 65 biên chế, từ 2 triệu người trở lên, cứ 100.000 người được giao thêm 01 biên chế. các tỉnh có từ 30% người dân tộc thiểu số trở lên được bố trí thêm 03 biên chế làm công tác giáo dục dân tộc.

Liên bộ: Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ chuẩn bị ban hành "Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD-ĐT thuộc UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ, Phòng GD-ĐT thuộc UBND cấp huyện" (sau đây gọi chung là: Thông tư liên tịch).

Đề nghị quy định "cứng" số lượng biên chế của Sở, Phòng GD-ĐT

Chủ trương của ban soạn thảo Thông tư là sẽ Quy định khung biên chế tối thiểu của Sở, Phòng GD-ĐT. ảnh minh họa, gdtd.vn
 Chủ trương của ban soạn thảo Thông tư là sẽ Quy định khung biên chế tối thiểu của Sở, Phòng GD-ĐT. ảnh minh họa, gdtd.vn

Ban soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch đang đề nghị (Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ) giữ nguyên biên chế công chức tối thiểu như dự thảo Thông tư liên tịch để đảm bảo đủ biên chế cho các Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Ban soạn thảo, việc ’xác định số lượng công chức tối thiểu’ của hai cơ quan này ở các địa phương còn nhằm: bảo đảm sự công khai, minh bạch trong quản lý biên chế công chức và hạn chế việc "xin-cho" biên chế công chức ở một số địa phương hiện nay; đồng thời cũng chấm dứt việc hợp đồng, trưng tập cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tại các cơ sở giáo dục về công tác tại Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT. Đây là một vấn đề bức xúc của ngành nhiều năm nay.

Về biên chế của Sở GD-ĐT, Thông tư liên tịch (dự thảo) quy định: Biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở do UBND cấp tỉnh quyết định theo định mức biên chế, khả năng tài chính và theo quy định của pháp luật.

Thông tư liên tịch (dự thảo) quy định rõ: Căn cứ vào khối lượng, tính chất và đặc điểm công tác giáo dục và đào tạo của địa phương, trên cơ sở xác định đầy đủ vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan Sở, UBND cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức của Sở trên cơ sở biên chế công chức của tỉnh được Trung ương giao.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT, dự thảo quy định: Sở GD-ĐT có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không quá 04 Phó Giám đốc; Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư liên tịch quy định về vị trí, chức năng, 24 nhiệm vụ và quyền hạn của Sở GD-ĐT.

Biên chế công chức của Phòng GD-ĐT: căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng, tính chất, đặc điểm công tác giáo dục và thực tiễn giáo dục của địa phương, trên cơ sở xác định đầy đủ vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan Phòng, UBND cấp huyện quyết định giao biên chế công chức của Phòng trên cơ sở biên chế công chức của huyện được UBND cấp tỉnh giao nhưng không thấp hơn 15 biên chế. Đối với các huyện có từ 30% người dân tộc thiểu số trở lên, các quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, được bố trí thêm 03 biên chế. 

Dự thảo Thông tư liên tịch quy định rõ về vị trí, chức năng, 15 nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng GD-ĐT.

Đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục 

Vụ Tổ chức-Cán bộ- Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư liên tịch cho biết: trên cơ sở pháp lý, thực tiễn và qua quá trình tiếp thu ý kiến rộng rãi của Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ các địa phương cả nước, tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế- Bộ Nội vụ, ban soạn thảo đã đưa ra đề nghị trên.

Theo Nghị định số 21/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý công chức, năm 2011, Bộ GD-ĐT đã tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát tại các địa phương xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm và xác định biên chế công chức tối thiểu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của Sở, Phòng GD-ĐT. 

Đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Ảnh, gdtd.vn
 Đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Ảnh, gdtd.vn

Đối với các địa phương có diện tích tự nhiên, quy mô dân số, quy mô phát triển giáo dục lớn, có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn... có nhu cầu tăng thêm biên chế so với biên chế tối thiểu, Sở GD-ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xác định nhu cầu tăng thêm biên chế công chức cho phù hợp với đặc điểm địa phương.

Các phòng GD-ĐT ở các địa phương nói trên có nhu cầu tăng thêm biên chế so với biên chế tối thiểu, có trách nhiệm phối hợp với Phòng Nội vụ xác định vị trí việc làm tăng thêm, trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định giao tăng thêm biên chế theo quy định.

Theo Ban soạn thảo, quy định số lượng biên chế Sở, Phòng GD-ĐT trong Thông tư liên tịch chỉ là quy định khung biên chế tối thiểu, không phải là văn bản giao biên chế.

Sau khi ban hành Thông tư lien tịch, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các Sở, Phòng GD-ĐT chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ xác định vị trí việc làm, số lượng biên chế công chức trình UBND tỉnh quyết định hàng năm theo quy định của pháp luật. 

Giải quyết thực tế thiếu trầm trọng biên chế ở Sở, Phòng GD-ĐT tại hầu hết các địa phương

Theo Ban Soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch, thực trạng biên chế công chức hiện nay của các Sở, Phòng GD-ĐT được cơ quan có thẩm quyền ở cấp tỉnh giao biên chế thiếu rất nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ. 

Tuyệt đại đa số các Sở, Phòng GD-ĐT đều phải báo cáo UBND các cấp cho hợp đồng, trưng tập cán bộ quản lý, giáo viên về công tác dài hạn tại Sở, Phòng GD-ĐT.

Tính đến tháng 5/2011, có tới 63 Sở GD-ĐT còn phải trưng tập dài hạn đến 654 cán bộ quản lý, giáo viên về công tác tại Sở.

Trên cả nước, có 686 Phòng GD-ĐT ở các địa phương phải trưng tập đến 3.781 cán bộ quản lý, giáo viên về Phòng công tác.

Việc cán bộ quản lý, giáo viên biên chế ở các đơn vị cơ sở nhưng lại hợp đồng dài hạn về Sở, Phòng GD-ĐT thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước là không đúng quy định của Nhà nước.

Trong khi đó, các đơn vị cơ sở có cán bộ quản lý, giáo viên trưng tập đi rất khó khăn trong việc bố trí người dạy thay, không có kinh phí để chi trả cho dạy thay dẫn đến việc mất ổn định trong giảng dạy, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh...

Bên cạnh đó, đối với các Sở, Phòng GD-ĐT cũng không ổn định đội ngũ, biên chế không đủ bố trí công việc. Một người phải đảm nhận nhiều việc nhưng không có người chịu trách nhiệm chính, dẫn tới công việc chồng chéo, kém hiệu quả.

Qua khảo sát, Ban soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch cho biết, vấn đề bức xúc trên đây đã đã trở thành vấn đề nóng nhiều năm của toàn ngành, được cử tri phản ánh nhiều lần với đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII. Tại các kì họp giao ban hàng quý, Bộ GD-ĐT đều nhận được các ý kiến phản ánh có đề nghị phối hợp với Bộ Nội vụ quy định mức biên chế công chức tối thiểu cho hai cấp cơ quan này tạo điều kiện cho các Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT có đủ biên chế hoàn thành nhiệm vụ được giao, giải quyết dứt điểm bức xúc nhiều năm trong các cơ sở giáo dục.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.