Theo đó, một trong những điểm mới của Thông tư là các cơ sở giáo dục đại học có thể đặt hàng, đấu thầu biên soạn giáo trình. Quy định này đã phát huy quyền tự chủ và cởi trói cho các cơ sở giáo dục đại học.
Được phép đặt hàng, đấu thầu
Tán thành với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học có thể đặt hàng, đấu thầu biên soạn giáo trình; PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) – ghi nhận: Đây là một trong những điểm mới nhất của Thông tư số 35. Quy định không những phù hợp thực tiễn khách quan, mà còn phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, là giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ cho các trường trong việc biên soạn, lựa chọn giáo trình phục vụ công tác đào tạo.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, hiện có nhiều chương trình đào tạo mới gắn với nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi các trường đại học phải cập nhật. Từ trước đến nay, để có giáo trình đào tạo, các trường thường chủ động biên soạn hoặc phải sử dụng tài liệu sẵn có bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay một số chương trình mới nên bên ngoài chưa có và nhà trường cũng chưa tổ chức biên soạn được.
Vì thế, nhiều trường có nhu cầu đặt hàng, đấu thầu các tổ chức, cá nhân bên ngoài để biên soạn giáo trình, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Muốn vậy phải có giải pháp và cơ chế chính sách để các trường vận hành. “Quy định của Thông tư số 35 đã giải quyết bài toán này, đáp ứng mong mỏi của các cơ sở giáo dục đại học” - PGS.TS Bùi Đức Triệu tâm đắc.
Đồng quan điểm, TS Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - nhấn mạnh: Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học có thể đặt hàng, đấu thầu biên soạn giáo trình là một trong những điểm mới của Thông tư số 35; thậm chí là rất tốt và có lợi cho đơn vị đào tạo. Theo đó, các trường được quyền tự chủ, chủ động trong việc biên soạn, lựa chọn giáo trình giảng dạy.
Chú trọng chất lượng
“Tất nhiên, việc biên soạn giáo trình phải có hội đồng thẩm định. Rất hoan nghênh, Thông tư số 35 quy định chặt chẽ về vấn đề này” - TS Kiều Xuân Thực ghi nhận, đồng thời diễn giải: Khi các trường đặt hàng viết, soạn giáo trình thì nhóm tác giả phải bám sát vào đề cương chi tiết học phần. Khi viết xong sẽ được hội đồng thẩm định xét duyệt. Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, giáo trình sẽ được thẩm định từ cấp khoa, sau đó đến cấp trường. Ngoài ra, nhà xuất bản cũng kiểm duyệt trước khi in, phát hành.
Trao đổi về Thông tư số 35, theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), so với Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/1/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học về các nội dung quy định đối với các trình độ của giáo dục đại học (Thông tư số 04), Thông tư số 35 có một số điểm mới.
Theo đó, ngoài các nội dung quy định đối với giáo trình như Thông tư số 04 và có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, Thông tư số 35 đã bổ sung thêm các quy định đối với bài giảng và tài liệu tham khảo, đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung theo đúng quy định của Luật Giáo dục Đại học 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018.
Ngoài việc quy định các cơ sở giáo dục đại học tổ chức việc biên soạn giáo trình tương tự như quy định tại Thông tư số 04, Thông tư lần này còn bổ sung quy định các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện việc biên soạn giáo trình theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu đối với các đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài cơ sở đào tạo, đảm bảo quy định của cơ sở đào tạo và pháp luật.
Để phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Thông tư quy định các nội dung khung tổng thể chung về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục đại học.
Đồng thời giao cho các cơ sở đào tạo tự chủ trong việc quy định cụ thể, chi tiết hoặc có thể quy định ở mức cao hơn về xây dựng, thực hiện quy định của cơ sở đào tạo về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục đại học, bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam để cấp văn bằng giáo dục đại học.
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho biết thêm: Thông tư số 35 cũng bổ sung quy định: Cơ sở giáo dục đại học xây dựng ban hành quy định áp dụng trong nội bộ cơ sở đào tạo. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn cho giảng viên, người học và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan về quy định của cơ sở đào tạo trong việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục đại học. Mặt khác, phổ biến hướng dẫn đối với người học về quyền và trách nhiệm được tiếp cận và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo ngay từ đầu khóa học.